Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến sát 600 tỷ USD, xuất siêu hơn 7 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Tính đến 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 585 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư lớn với con số xuất siêu hơn 7 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến 15/10 đạt hơn 585 tỷ USD, xuất siêu hơn 7 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến 15/10 đạt hơn 585 tỷ USD, xuất siêu hơn 7 tỷ USD.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan công bố chiều 19/10, nửa đầu tháng 10 (1-15/10), kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 14,1 tỷ USD.

Nửa đầu tháng 10 có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên và nhiều nhóm đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD.

Điện thoại và linh kiện đạt gần 2,6 tỷ USD tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

3 nhóm hàng tỷ USD còn lại là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,9 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (1,84 tỷ USD); dệt may (1,28 tỷ USD).

Tính chung từ đầu năm đến 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 296,337 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 13,64 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đạt gần 289,1 tỷ USD.

Như vậy, đến 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 585 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư lớn với con số xuất siêu hơn 7 tỷ USD.

Nhiều dự báo cho rằng, nếu duy trì đà tăng trưởng cao trong quý 4/2022, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 750 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là tăng 7 - 8%.

Tuy nhiên, trong thời gian còn lại của năm 2022, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định, nhất là tại EU, Mỹ và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng với Việt Nam.

Nhận định về sức cầu hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong quý cuối của năm 2022, Bộ Công thương cho biết: "Tiêu dùng hàng hóa ở những thị trường là đối tác lớn của Việt Nam tuy có chậm lại, nhưng chưa giảm mạnh sẽ tác động thuận lợi đến sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong thời gian tới".

Dịch Covid -19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu sẽ tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới sẽ tăng trong dịp cuối năm.

Việc các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép... (do chi phí năng lượng tăng cao) và nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.

9 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD.

Xuất siêu sang nhiều thị trường lớn cũng ghi nhận kết quả tích cực, trong đó 9 háng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 10 triệu USD, (cùng kỳ nhập siêu 1,7 tỷ USD).

Các ngành hàng xuất khẩu vài chục tỷ USD như dệt may, da giày-túi xách cũng dự kiến, mục tiêu xuất khẩu đặt ra từ đầu năm 2022 về cơ bản sẽ cán đích. Trong đó, dệt may 43,5 tỷ USD và da giày-túi xách có thể trên 25 tỷ USD.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục