Kim ngạch xuất khẩu tôm đứng vị trí số 1 trong ngành thuỷ sản

0:00 / 0:00
0:00
Hiện tôm Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất thế giới và chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu.
Những tháng cuối năm 2024 xuất khẩu tôm sang các thị trường Mỹ, EU… sẽ tăng trưởng tốt. Những tháng cuối năm 2024 xuất khẩu tôm sang các thị trường Mỹ, EU… sẽ tăng trưởng tốt.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 5,29 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu nhóm hàng này tăng 7,3%, đứng top 2 về kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Riêng xuất khẩu tôm thu về 2 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong ngành thuỷ sản. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… là các quốc gia chi lượng tiền lớn mua tôm của Việt Nam, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng duy trì mức tăng trưởng dương trong nửa đầu năm nay. Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất. Cụ thể, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) đạt 328 triệu USD, tăng mạnh 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã tăng mua mạnh tôm hùm của Việt Nam, đẩy kim ngạch xuất khẩu loại tôm này tăng đột biến 57 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt 303 triệu USD, tăng nhẹ 1%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 229 triệu USD, giảm 3%; và sang EU đạt 217 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, giá tôm chân trắng (sản phẩm tôm chiếm tỷ trọng cao nhất của nước ta) sang một số thị trường đang có xu hướng tăng trở lại. Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng 3,1% so với tháng trước, lên 6,5 USD/kg; sang Mỹ tăng 2%, ở mức 10,2 USD/kg; sang Nhật Bản tăng 3,4% lên 8,8 USD/kg…

Kết quả trên cũng phần nào phản ánh được chất lượng sản phẩm, khả năng đáp ứng nhu cầu của các thị trường lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong việc cải tiến quy trình nuôi trồng và chế biến.

Nhiều chuyên gia dự báo, những tháng cuối năm nay xuất khẩu tôm sang các thị trường Mỹ, EU… sẽ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, theo Hội Thủy sản Việt Nam, chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao sẽ khiến Việt Nam gặp khó trong việc cạnh tranh về giá với các nước Ecuador và Ấn độ. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là một thách thức với xuất khẩu tôm.

Ngoài ra, theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại Việt Nam giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp).

Theo bà Phùng Thị Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, để gia tăng thị phần tại các thị trường trong năm 2024, doanh nghiệp cần lưu ý đến thị hiếu tiêu dùng mới. Ví dụ như Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh, tôm hùm đá, các loại tôm biển khác, tôm hùm đông lạnh, trong khi tăng nhập khẩu tôm hùm tươi, sống, ướp lạnh. Còn tại Hàn Quốc, nhu cầu đối với thực phẩm nấu chín, chế biến và bảo quản sẵn đang tăng lên nhanh chóng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10% - 15% và dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD. Sở dĩ có được dự báo khả quan trên, bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.

Về thị trường, Hoa Kỳ và Trung Quốc được nhận định sẽ tiếp tục là 2 thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40% - 45% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Các doanh nghiệp trong nước cũng đang tích cực mở rộng và tìm kiếm các thị trường mới, nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một số ít thị trường truyền thống. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu giúp ngành tôm có thêm nhiều cơ hội để phát triển bền vững và ổn định hơn trong dài hạn.

Ngoài ra, chính phủ và các cơ quan chức năng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ mới trong nuôi trồng và chế biến tôm cũng được chú trọng, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục