Kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 40 tỷ USD

Từ đầu năm đến 15/9, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,82% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 40 tỷ USD.
Tính đến 15/9, xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã tăng thêm 40 tỷ USD so với cùng kỳ 2021.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 9/2022 đạt 26,34 tỷ USD, giảm 25,7% (tương ứng giảm 9,09 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2022.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 9/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/9/2022 đạt 526,04 tỷ USD, tăng 15,7%, tương ứng tăng 71,46 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 364,89 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 49,93 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 161,15 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 21,53 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 845 triệu USD trong 15 ngày đầu tháng 9, lũy kế đến hết ngày 15/9/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 4,64 tỷ USD.

Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu tháng 9 đạt 12,75 tỷ USD, lũy kế đến 15/9 đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,8% tương ứng tăng 40,14 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 7,3 tỷ USD, tương ứng tăng 29,7%; hàng dệt may tăng 5,35 tỷ USD, tương ứng tăng 24,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 4,84 tỷ USD, tương ứng tăng 14,3%; điện thoại các loại & linh kiện tăng 4,7 tỷ USD, tương ứng tăng 12,5%... so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam kỳ 1 tháng 9/2022 đạt 13,59 tỷ USD. Như vậy, tính đến hết 15/9/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 260,7 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 31,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Dù tăng trưởng xuất khẩu đạt 2 con số, nhưng rủi ro chực chờ với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta trong quý cuối cùng năm 2022 còn không ít, khi sức mua tại nhiều thị trường lớn sụt giảm do lạm phát tăng cao.

Các ngành xuất khẩu vài chục tỷ USD như hàng dệt may, giày dép, điện tử....cũng đưa ra các kịch bản về triển vọng tăng trưởng những tháng cuối năm để có sự linh hoạt, ứng biến trong mọi tình huống.

Mới nhất, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường nhận định: "Nếu 8 tháng đầu năm bình quân mỗi tháng chúng ta có thể xuất được 3,7 đến 3,8 tỷ USD bình quân thì dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ xuất được 3,1 đến 3,2 tỷ USD, do cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao".

Ngành nông nghiệp có triển vọng xuất khẩu sáng nhất do nhu cầu lương thực, thực phẩm vẫn tăng cao. Người tiêu dùng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...có thể giảm mua sắm hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ nhưng vẫn phải chi tiêu cho ăn uống.

Đơn cử, ngành thủy sản trong tháng 8 vẫn đạt doanh thu xuất khẩu trên 1 tỷ USD, Lũy kế hết tháng 8/2022, xuất khẩu nhóm này đạt 7,63 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ, đồng thời duy trì mức tăng 2 con số tại thị trường chính yếu, Mỹ đạt 1,63 tỷ USD, tăng 25,6%; sang Nhật Bản đạt 1,12 tỷ USD, tăng 28%; sang Trung Quốc đạt 1,07 tỷ USD, tăng 82,8%; sang EU đạt 941 triệu USD, tăng 42%...

Xuất khẩu gạo cũng sôi động, với 4,79 triệu tấn gạo đã xuất ra khỏi biên giới, tăng 20,7% so với cùng kỳ, trị giá hơn 2,3 tỷ USD...

Một báo cáo của Bộ Công thương hôm 18/8 đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 cho biết, năm 2022 sẽ là năm thứ 7 liên tiếp, Việt Nam xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch.

Về cơ bản, 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi với các đối tác là những thị trường tiêu dùng lớn vẫn đang hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục