Tận dụng hệ thống các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu, tăng tận dụng ưu đãi đang được các ngành hàng, doanh nghiệp thực thi hiệu quả hơn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, nhất là các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam.
Cụ thể, xuất sang Asean tăng 10,5%; sang Nhật Bản tăng 3,3%, Hàn Quốc tăng 8,6%, EU tăng 15,1%, Australia tăng 22,6%.
"Việt Nam trong năm vừa qua đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 2 đối tác lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong đó thương mại được coi là một trụ cột quan trọng. Xuất khẩu sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 17 tỷ USD, tăng 12,8%; sang Hoa Kỳ đạt 34,7 tỷ USD tăng 21,2%", Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Với 16 FTA đã ký kết, thời gian qua, việc khai thác các FTA này đã ghi nhận kết quả tích cực.
Trong giai đoạn 10 năm 2013-2022, mức tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu có sử dụng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định FTA là 12,7%/năm, cao hơn mức tăng bình quân tổng kim ngạch xuất khẩu (12,5%/năm giai đoạn 2013-2022).
Kết quả thực hiện công tác thúc đẩy xuất khẩu, thúc đẩy tận dụng các FTA thời gian qua phần nào phản ánh trong con số xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024.
Cục Xuất nhập khẩu ước tính, xuất khẩu hàng hoá 5 tháng đầu năm đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định FTA đều có sự phục hồi tốt.
Hiện, hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát cao làm sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.
Cùng với đó là xung đột nổ ra ở nhiều nơi … gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá. nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, do đó, Bộ Công thương chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định FTA.
Theo đó, triển khai vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử.
Bộ Công thương cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại mới với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa cơ hội trong các Hiệp định.
Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2023 đạt 86,1 tỷ USD, chiếm 37,35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 230,5 tỷ USD của Việt Nam sang các thị trường ký FTA. Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi tương đối ổn định, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường.