Kim Long, giữ vững một chiến lược

(ĐTCK-online) Với chiến lược nhân sự dài hạn, việc thay đổi tổng giám đốc của CTCK Kim Long kỳ vọng sẽ tạo động lực cho những thành công mới của một chiến lược cũ xuyên suốt.
Kim Long, giữ vững một chiến lược

Kim Long, giữ vững một chiến lược ảnh 1

Ông Phạm Vĩnh Thành, tân Tổng giám đốc KLS

CTCK Kim Long (KLS) vừa có sự “đổi tướng”. Phó tổng giám đốc Phạm Vĩnh Thành lên thay thế vị trí Tổng giám đốc cũ là ông Phạm Tấn Huy Bằng. Liệu sự thay đổi này có đi kèm với những chuyển biến trong định hướng hoạt động của Công ty? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Vĩnh Thành, tân Tổng giám đốc KLS.

 

Sự thay đổi về nhân sự này liệu có đi kèm với những chuyển biến trong định hướng hoạt động của Công ty, thưa ông?

Ai đã từng làm việc với Kim Long sẽ đều nhận thấy một điểm nổi bật là mỗi quyết định trong định hướng chiến lược hay điều hành trực tiếp đều nhận được sự thống nhất từ trên xuống dưới của đội ngũ lãnh đạo. Chính vì vậy, tôi có thể khẳng định ngay rằng, việc tôi kế nhiệm vị trí Tổng giám đốc của vị lãnh đạo cũ sẽ không ảnh hưởng gì đến chiến lược kinh doanh của Công ty mà HĐQT đã đưa ra trước đó. Với vai trò là Tổng giám đốc mới, tôi sẽ kế thừa những chiến lược, mục tiêu mà Ban điều hành cũ để lại.

 

Ông có thể chia sẻ những mục tiêu hoạt động của Kim Long giai đoạn này?

Năm 2011 đã qua được 6 tháng, trong 6 tháng cuối năm chúng tôi sẽ duy trì mục tiêu và định hướng đã được xây dựng từ trước và được ĐHCĐ thông qua. Cụ thể, chúng tôi đang thực hiện tái cơ cấu Công ty theo hướng mô hình ngân hàng đầu tư. Nghĩa là, Công ty sẽ đầu tư tập trung hơn vào các khoản đầu tư mang tính dài hạn, chiến lược, thay vì những khoản đầu tư ngắn hạn.

Mục tiêu thứ hai là tổ chức lại hệ thống nhân sự cho phù hợp với tình hình mới. Năm nay, TTCK rất khó khăn, chủ trương của Kim Long là giữ lại nhân sự, nhưng tập trung tái cấu trúc theo hướng phù hợp với cơ cấu mới và tình hình mới. Ví dụ, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ cho phép CTCK cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ, như vậy Công ty sẽ phải có đội ngũ nhân viên để đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ mới này.

Mục tiêu thứ ba là tăng cường công tác quản trị rủi ro. Đợt suy giảm vừa qua của TTCK càng cho thấy kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán là rủi ro cao. Tính đến thời điểm này, Kim Long đã quản trị rủi ro khá tốt, nhưng quy mô vốn của Công ty lớn thì yêu cầu quản trị rủi ro cũng phải tăng lên. Trong đầu tư, yêu cầu trước hết phải là bảo toàn vốn, rồi mới tính đến lợi nhuận. Thời điểm cuối năm ngoái, Kim Long đã bán đi phần lớn danh mục đầu tư của mình nên đến hiện tại, trong bối cảnh thị trường diễn biến xấu, chúng tôi may mắn có một khoản tiền mặt lớn đang gửi tại ngân hàng để chờ những cơ hội đầu tư mới.

Mục tiêu trọng tâm cuối cùng của Kim Long là đảm bảo kinh doanh năm nay có lãi. Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm thi tôi tin tưởng việc hoàn thành mục tiêu này là khả thi.

 

Nửa năm 2011 đã trôi qua. Ông có thể tổng kết sơ bộ kết quả kinh doanh các mặt của Công ty tính đến thời điểm này?

Hiện tại, Công ty chưa tập hợp được số liệu cụ thể. Tuy nhiên, quý I/2011, Kim Long lãi 30 tỷ đồng và quý II có thể khẳng định là sẽ lãi nhiều hơn quý I.

Với mảng môi giới, do trước đây Công ty không cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng, nên mảng môi giới chứng khoán không phát triển. Thời gian tới, khi các văn bản mới hướng dẫn về giao dịch chứng khoán có hiệu lực, trong đó có giao dịch ký quỹ, Công ty sẽ nâng cấp hệ thống và sử dụng một phần vốn để phục vụ cho mảng dịch vụ này, khi đó có thể sẽ làm tăng doanh thu mảng môi giới. Tuy nhiên, nguyên tắc của Kim Long vẫn là “cung cấp dịch vụ tốt nhất trong khuôn khổ pháp luật”, tức là mọi việc làm đều phải tuân theo quy định của pháp luật.

Với mảng tư vấn, từ trước đến giờ vẫn là thế mạnh của Kim Long. Năm nay, Công ty cố gắng duy trì số hợp đồng tư vấn bằng so với năm trước. Nhưng với điều kiện TTCK khó khăn như hiện tại, số lượng hợp đồng tư vấn niêm yết, phát hành khó có thể bằng năm trước.

Với hoạt động đầu tư, chúng tôi định hướng đầu tư mang tính dài hạn, chú trọng đến việc duy trì an toàn cho đồng vốn của cổ đông.

   

Kim Long, giữ vững một chiến lược ảnh 2

“Đây là sự chuyển giao có kế hoạch lâu dài”

Ông Phạm Tấn Huy Bằng, thành viên HĐQT, nguyên Tổng giám đốc CTCK Kim Long (KLS)

 

Tôi đã nắm giữ vai trò Tổng giám đốc một nhiệm kỳ 5 năm và việc chuyển giao nhiệm vụ này là hết sức bình thường, nằm trong lộ trình, chiến lược lâu dài của Công ty. Anh Thành đã trải qua một thời gian dài chuẩn bị, thử thách để sẵn sàng cho sự chuyển giao này.

 

Cùng với việc anh Thành lên giữ vị trí Tổng giám đốc, HĐQT cũng bổ nhiệm anh Trần Văn Trọng -Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh- làm Phó Tổng giám đốc. Tôi tin tưởng rằng, với sự chuyển giao vị trí cho đội ngũ lãnh đạo mới trẻ hơn, năng động hơn, có đầy đủ phẩm chất cả về năng lực làm việc lẫn đạo đức, sẽ giúp Kim Long có thêm sức bật trong thời gian tới.

 

Về cá nhân tôi, sau một thời gian dài trực tiếp điều hành, tôi sẽ chỉ giữ vị trí thành viên HĐQT, nhiệm vụ chủ yếu là lo công tác chiến lược và hỗ trợ Ban tổng giám đốc mới điều hành tốt Công ty.

Bùi Sưởng thực hiện
Bùi Sưởng thực hiện

Tin cùng chuyên mục