Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, trong số hơn 3,9 tỷ USD kiều hối chuyển về trong 10 tháng đầu năm thì chủ yếu vẫn đến từ thị trường Mỹ (chiếm trên 60%) và châu Âu (khoảng hơn 19%).
Kiều hối thường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô, tình hình của người lao động ở nước ngoài, các dịch vụ thu hút kiều hối...
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, từ đầu năm đến nay, tình hình có vẻ khả quan, lượng kiều hối được gửi về nước rất ổn định và tăng dần đều.
Những tháng gần đây do chưa vào mùa cao điểm nên kiều hối chuyển về tăng từ 375 - 400 triệu USD một tháng. Riêng tháng 10 vừa qua, tăng 600 triệu USD (tương đương 5% so với cùng kỳ năm trước). "Nếu từ nay đến cuối năm không xảy ra những biến động gì lớn thì lượng kiều hối chuyển về TP.HCM sẽ đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm ngoái", ông Minh dự báo.
Theo Phó giám đốc Ngân hàng TP.HCM, phần lớn kiều hối chuyển về được người dân sử dụng vào sản xuất kinh doanh, đầu tư chứ không cất giữ, chi tiêu hay tập trung vào đầu tư bất động sản, chứng khoán như trước đây.
Mặt khác, kinh tế vĩ mô trong nước thời gian qua ổn định và sức ép tăng tỷ giá do tâm lý thị trường bị loại bỏ chính là nguyên nhân lớn khiến người nhận kiều hối dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng.
Nhờ đó, tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay khá ổn định dù thị trường thế giới biến động mạnh. Đến 9h sáng, mỗi USD được các ngân hàng niêm yết quanh 22.690 - 22.760 đồng, không thay đổi suốt nhiều ngày qua.