Kiều hối năm 2018: Thêm một năm khởi sắc

(ĐTCK) Năm 2018, kiều hổi chảy về TP.HCM dự kiến đạt 5 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều gửi về Việt Nam.
Năm nay, kiều hối chuyển về TP. HCM ước đạt 5 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hồi về Việt Nam. Năm nay, kiều hối chuyển về TP. HCM ước đạt 5 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hồi về Việt Nam.

Bất chấp việc dòng vốn toàn cầu đang rút khỏi các nền kinh tế mới nổi, cũng như xu hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới hay lãi suất USD đã giảm về 0% trong 2 năm qua, dòng kiều hối được dự báo sẽ vẫn chảy mạnh về Việt Nam trong năm nay.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP. HCM cho biết, chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2018, con số 5 tỷ USD kiều hối chảy về Thành phố sẽ thành hiện thực.

Con số này chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam. Đây là điều rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi sau động thái tăng liên tục lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều nền kinh tế khác cũng có xu hướng thắt chặt lại tiền tệ. Đó là chưa kể, lãi suất USD tại Việt Nam đã giảm về 0% từ 2 năm nay.

Đánh giá về diễn biến trên, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của HSBC Việt Nam cho biết, trong 3 năm qua, kiều hối về Việt Nam khá ổn định, phần lớn trong đó xuất phát từ các thị trường Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, UAE…

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Minh cho rằng, mặc dù USD trên thị trường quốc tế đang có lãi suất cao hơn so với trong nước, nhưng kiều hối vẫn chuyển về nước là do một lượng lớn ngoại tệ đã được đưa vào sản xuất, kinh doanh nên không có hiện tượng kiều hối chảy ngược ra ngoài vì chênh lệch lãi suất.

"NHNN - Chi nhánh TP. HCM đang phối hợp cùng UBND Thành phố đánh giá thực trạng tình hình kiều hối nhằm định hướng nguồn tiền này vào các chương trình kinh tế trọng điểm của Thành phố", ông Minh chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính nhìn nhận, nếu như trước đây kiều hối chủ yếu là để trang trải chi phí cho người thân ở Việt Nam, thì những năm gần đây, lượng kiều hối đổ vào Việt Nam với mục đích đầu tư ngày càng nhiều hơn.

“Trong bối cảnh lãi suất USD tăng cao, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn ở mức cao cho thấy sự tin tưởng của kiều bào về sự ổn định của nền kinh tế nước nhà. Tôi cho rằng, lượng kiều hối chảy về nước năm nay sẽ cao hơn năm trước”, TS. Hiếu nói.

Số liệu thống kê cho thấy, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,98% trong 9 tháng đầu năm, mức cao nhất trong khu vực ASEAN và chỉ xếp sau Ấn Độ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Sebastian Eckardt - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, tuy môi trường bên ngoài đang trở nên kém lạc quan và bất định hơn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng cao nhờ sức cầu mạnh trong nước, kết hợp với sự năng động của các ngành chủ lực như chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu...

"Với tất cả động lực đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 6,8%, thậm chí cao hơn trong năm nay", đại diện WB nhận định.

Với giá trị tương đương lượng vốn FDI giải ngân hàng năm và cao hơn nhiều giá trị xuất khẩu ròng, kiều hối là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội những năm qua. Không chỉ vậy, kiều hối còn giúp cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, gia tăng dự trữ ngoại hối của quốc gia, từ đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, thu hút kiều hối luôn được Chính phủ hết sức quan tâm.

Để gia tăng thu hút kiều hối, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam cần tiếp tục thực thi các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực, tạo lập môi trường đầu tư bình đẳng, minh bạch, thuận lợi; cải thiện chính sách xuất khẩu lao động, đa dạng hóa thị trường này, thay vì tập trung vào một vài nước để tránh sự phụ thuộc, gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động và nguồn thu từ kiều hối.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục