Kiều hối có thể làm tăng giá bất động sản, nhưng cũng sẽ làm thị trường sôi động hơn

(ĐTCK) Khi dòng kiều hối đổ về mạnh mẽ, cũng là lúc nhiều thành viên thị trường nghĩ nhiều hơn đến các cơ hội khai thác dòng tiền đầy tiềm năng này. Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam có những chia sẻ cùng Đầu tư Chứng khoán về câu chuyện này.
Ông David Jackson.

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam mỗi năm tương đương giá trị 10.000 căn hộ. Với các quy định thông thoáng hơn về sở hữu nhà ở, dòng tiền này có thể sẽ chảy nhiều hơn, chính danh hơn vào lĩnh vực bất động sản. Ông có bình luận gì về cơ hội mua bất động sản từ kiều hối thời gian tới?

Điều 4 và Điều 28 Luật Đất đai 2024 cho phép người gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (Việt kiều) được sở hữu nhà, đất cũng như có các quyền và lợi ích hợp pháp tương đương với công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam.

Các quy định rõ ràng và cởi mở hơn này sẽ trao quyền tự chủ nhiều hơn cho Việt kiều, khuyến khích họ đầu tư, sở hữu một ngôi nhà hoặc ngôi nhà thứ hai trên quê hương mà không cần nhờ người thân ở Việt Nam đứng tên hộ như trước đây.

Ngoài ra, khi mở rộng đối tượng tham gia giao dịch nhà đất, luật mới cũng giúp thu hút nguồn vốn kiều hối – vốn ngày càng trở thành nguồn thu từ nước ngoài quan trọng của Việt Nam bên cạnh FDI.

Theo ông, phân khúc nào (siêu sang, cao cấp, bình dân,…) sẽ được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn và vì sao?

Theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, có 6,5 triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, trải dài khoảng 3 thế hệ, và hơn 20% trong số đã đến tuổi nghỉ hưu, có nhu cầu về Việt Nam. Với Việt kiều, nếu mua bất động sản để ở, tôi nghĩ ưu tiên đầu tiên của họ là vị trí gần họ hàng và gia đình, hoặc ở các tỉnh thành lớn nhưng vẫn có môi trường tự nhiên tốt cho sức khỏe để nghỉ dưỡng.

Họ có thể chọn nhà liền thổ hoặc chung cư tùy vào giá bất động sản khu vực đó và khả năng tài chính của họ. Còn nếu muốn đầu tư, tôi nghĩ họ sẽ sử dụng các công cụ khác như tín chỉ quỹ, trái phiếu thay vì trực tiếp mua bất động sản vì thuận tiện, dễ kiểm soát tài sản hơn khi họ không sống ở Việt Nam.

Từ phía các chủ đầu tư, cần làm gì để tiếp thị sản phẩm, dự án đến các khách mua tiềm năng?

Người Việt sống ở nước ngoài thường tìm hiểu bất động sản trong nước thông qua người thân tại Việt Nam, các hội nhóm kiều bào sở tại và truyền thông trong nước lẫn quốc tế. Xác định mục đích, sở thích, nhu cầu cũng như khả năng tài chính của nhóm khách hàng tiềm năng này có thể giúp chủ đầu tư tiếp thị dự án hiệu quả hơn.

Nếu dòng kiều hối nhập cuộc mạnh mẽ vào thị trường nhà ở, nó sẽ mang đến những tác động ra sao?

Nếu lượng kiều hối đổ vào bất động sản tăng vọt có thể gây tăng giá bất động sản và lệch mục tiêu phân bổ đầu tư theo ngành. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vốn kiều hối sẽ không đổ vào thị trường nhà ở Việt Nam mạnh mẽ ngay sau khi luật mới có hiệu lực, vì luôn có độ trễ nhất định từ luật đi vào thực tế và người ta cần thời gian để nghiên cứu, cân nhắc trước khi ra quyết định đầu tư.

Trong dài hạn, sự gia nhập của nhà đầu tư Việt kiều ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp giúp thị trường có thêm dòng vốn mới, các hoạt động mua bán, đầu tư có thể sẽ sôi động hơn.

Có kinh nghiệm thành công nào của các nước đi trước trong khai thác dòng kiều hối mà Việt Nam có thể học tập không?

Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút ngoại tệ bằng kiều hối là việc nhiều chính phủ muốn hướng tới.

Là nước đứng đầu thế giới về lượng kiều hối, Ấn Độ bắt đầu cấp thẻ cư trú kiều bào (Overseas Citizenship of India hay OCI) cho người gốc Ấn từ năm 2006. Khi được cấp, chủ thẻ sẽ được nhập cảnh trọn đời, được tự do mua bán bất động sản (trừ đất nông nghiệp), đầu tư chứng khoán với mức thuế phải đóng không quá chênh lệch.

Còn tại Trung Quốc, Hoa kiều được mời gọi về nước thông qua các chính sách ưu đãi như giảm tiền thuê đất, tiền điện và thuế kinh doanh. Chính phủ Trung Quốc cũng phát hành “trái phiếu kiều dân” để thu hút nguồn kiều hối cho đầu tư xây dựng hạ tầng.

Bình Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục