KienlongBank từng bước khẳng định vị thế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Được thành lập từ năm 1995 tại Kiên Giang, sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, từ mức vốn điều lệ ban đầu chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng, đến nay, Kienlongbank là 1 trong 12 ngân hàng TMCP nông thôn đủ điều kiện chuyển đổi thành ngân hàng TMCP đô thị, phát triển ổn định, bền vững.
Thương hiệu Kienlongbank đã phủ rộng với 134 chi nhánh, phòng giao dịch Thương hiệu Kienlongbank đã phủ rộng với 134 chi nhánh, phòng giao dịch

Đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Là ngân hàng thuộc nhóm “tự tái cơ cấu”, Kienlongbank là một trong số ít ngân hàng không chỉ hoạt động ổn định, mà còn ngày càng phát triển, luôn duy trì tốt các chỉ tiêu về an toàn hoạt động và tuân thủ các quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và pháp luật hiện hành.

Kết quả đạt được của Kienlongbank ngày hôm nay là một quá trình dài của sự quyết tâm, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tình yêu nghề của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, cộng tác viên… đã cống hiến, xây dựng nên Kienlongbank.

Đến nay, thương hiệu Kienlongbank được biết đến và phủ rộng ở các tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước với 134 chi nhánh, phòng giao dịch. Trụ sở hoạt động được đầu tư xây dựng, chỉnh trang… đã mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng khi đến giao dịch. Các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng luôn được đa dạng hóa và cải tiến không ngừng. Trên 5.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên giỏi chuyên môn, vững tay nghề, nhiệt huyết và tận tâm; gần 1 triệu khách hàng thân thiết thường xuyên giao dịch…

Năm 2020, cùng với khó khăn chung của toàn nền kinh tế do tác động từ đại dịch Covid-19 cũng như rủi ro thiên tai, bão lũ..., Kienlongbank đã có nhiều giải pháp đồng hành và hỗ trợ khách hàng như miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh; triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, điều chỉnh nhiều loại phí giao dịch…

Mục tiêu trọng tâm mà Kienlongbank đặt ra trong năm 2020 là giải quyết các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của STB theo Đề án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của Kienlongbank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tuy nhiên, việc dịch bệnh Covid-19 xuất hiện bất ngờ đã ảnh hưởng đến kế hoạch này, tính đến ngày 31/12/2020, Kienlongbank mới bán được một phần cổ phiếu STB, giảm được 369 tỷ đồng nợ xấu.

Dù vậy, nhiều chỉ tiêu kinh doanh khác vẫn đạt kết quả khả quan. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản Kienlongbank đạt 57.282 tỷ đồng, tăng 12,09% so với cùng kỳ năm 2019 và hoàn thành 99,45% kế hoạch đề ra; tổng nguồn vốn huy động đạt 52.071 tỷ đồng, tăng 12,22% và hoàn thành 99,18% kế hoạch; dư nợ cấp tín dụng đạt 34.716 tỷ đồng, tăng 3,69% và hoàn thành 89,47% kế hoạch và trong hạn mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước; lợi nhuận trước thuế đạt 158,21 tỷ đồng.

Về cơ bản, Kienlongbank gần như hoàn tất các nội dung theo phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trong quý I/2021, Kienlongbank đã xử lý xong lượng cổ phiếu STB còn lại để tất toán nợ vay liên quan, giúp kết quả kinh doanh quý I khởi sắc.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2021, lợi nhuận trước thuế quý đầu năm nay của Kienlongbank đạt trên 702 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức thực hiện của cả năm 2020 chỉ có 158,21 tỷ đồng.

Hết quý I/2021, tổng tài sản hợp nhất của Kienglongbank đạt 61.942 tỷ đồng (tăng 8,14% so với năm 2020), tổng nguồn vốn huy động đạt 55.933 tỷ đồng (tăng 7,42% so với năm 2020), tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 35.747 tỷ đồng (tăng 2,97% so với năm 2020).

Tính đến ngày 31/3/2021, tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank là 1,19%, giảm 3,22% so với tỷ lệ nợ xấu ngày 31/12/2020. Lãi phải thu là 509 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lãi phải thu/tổng tài sản là 0,82% và tỷ lệ lãi phải thu/tổng dư nợ là 1,42%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 702,62 tỷ đồng.

Theo bà Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Kienlongbank, nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng cao là do trong quý I/2021, Ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB của Sacombank theo Phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tăng trưởng vững chắc trong năm 2021

Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số…

Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối (Chỉ thị 01/CT-NHNN) với mục tiêu tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán cùng đạt 12%.

Bám sát các giải pháp điều hành kinh tế, chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong năm nay, Ban điều hành Kienlongbank xây dựng kế hoạch kinh doanh 2021 với tổng tài sản tăng 16,6%, tín dụng tăng hơn 28%, huy động vốn tăng 14% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 1.000 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với năm 2020, với nguồn thu chính tới từ các hoạt động tín dụng, dịch vụ và đặc biệt là thu hồi nợ xấu từ bán 176 triệu cổ phiếu của STB.

Năm 2021, Kienlongbank cũng đặt mục tiêu hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro; gia tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng; nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, đẩy mạnh phát triển ngân hàng số theo định hướng chiến lược của Kienlongbank giai đoạn 2021-2025.

Các giải pháp thực hiện bao gồm: Thứ nhất, về mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, điều hành, Kienongbank chuyển đổi mô hình tổ chức và hệ thống kiểm soát nội bộ để tăng năng lực quản trị, điều hành và quản trị rủi ro nhằm phù hợp hơn với thông lệ tốt nhất về quản trị ngân hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát, quản trị rủi ro.

Thứ hai, về hoạt động kinh doanh, Kienlongbank tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong hạn mức cho phép và phù hợp với các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế; tăng cường các gói tín dụng ưu đãi lãi suất kết hợp bán kèm các dịch vụ, sản phẩm khác như dịch vụ tài khoản thanh toán, chuyển tiền, thẻ tín dụng…

Cùng với đó, Kienlongbank tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu kết hợp với các biện pháp chế tài nhằm đảm bảo kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%/tổng dư nợ; tăng cường xử lý nợ xấu, áp dụng triệt để các giải pháp xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo đúng kế hoạch đề ra; thường xuyên rà soát, đánh giá, theo dõi, kiểm tra khách hàng vay, khoản tín dụng, tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp, hạn chế nợ xấu phát sinh mới.

Bên cạnh thúc đẩy huy động vốn và phát triển tín dụng, Kienlongbank sẽ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ truyền thống, dịch vụ ngân hàng điện tử, đồng thời phát triển các dịch vụ mới ứng dụng công nghệ số, tăng cường tích hợp và kết nối với các đối tác để phát triển dịch vụ thanh toán hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền lợi khách hàng; chú trọng đẩy mạnh các sản phẩm thu phí để đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng, thiết kế sản phẩm, dịch vụ theo phân khúc khách hàng liên kết theo hệ sinh thái, ngân hàng số; tiếp tục triển khai có hiệu quả dịch vụ liên kết (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm khoản vay, tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…), đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tăng nguồn thu từ dịch vụ…

Mỹ Khánh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục