KienlongBank (KLB) thông báo chào bán đợt đầu trái phiếu ra công chúng

(ĐTCK) Là một phần trong chiến lược phát triển bền vững nhằm huy động nguồn lực tài chính phục vụ các mục tiêu tăng trưởng và nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, mới đây, KienlongBank công bố phát hành đợt đầu trái phiếu ra công chúng vào quý 4/2024.

Theo FiinRatings, thị trường trái phiếu tiếp tục ghi nhận vai trò quan trọng của các ngân hàng thương mại cả về nguồn cung và cầu. Tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ tháng 6 báo hiệu mức độ hấp thụ vốn đã dần khởi sắc. Trong báo cáo tình hình trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 10/2024, các chuyên gia FiinRatings đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có tốc độ phục hồi nhanh chóng, chủ yếu ở nhóm trái phiếu ngân hàng. Đây là xu hướng đáng chú ý, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tăng cường các quy định quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng như hiện nay.

Chỉ tính riêng trong quý 3/2024, theo số liệu tổng hợp từ VnDirect, có tới 157 đợt phát hành TPDN với tổng giá trị ước đạt 160.140 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng nhóm ngân hàng đã phát hành tổng cộng 119.307 tỷ đồng, chiếm 81% tổng dung lượng phát hành toàn thị trường. Sự gia tăng tỷ trọng phát hành trong quý của các ngân hàng nhằm tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn, qua đó giúp đảm bảo tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Kế hoạch và chiến lược phát triển bền vững của KienlongBank

Được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, mới đây, KienlongBank đã công bố phương án phát hành trái phiếu ra công chúng. Trong thời gian chào bán, dự kiến diễn ra từ quý 4/2024 đến quý 2/2025, KienlongBank sẽ đưa vào thị trường 25 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng cùng kỳ hạn 07 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm.

Trái phiếu ngân hàng, đặc biệt là trái phiếu phát hành ra công chúng, là một sản phẩm được chuẩn hóa cao, được quy định cụ thể và chặt chẽ bởi Luật Chứng khoán, cần được sự chấp thuận của Ủy ban chứng khoán nhà nước và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Những người sở hữu trái phiếu ngoài việc có quyền nhận được thanh toán lãi suất định kỳ theo mức lãi suất công bố còn có thể linh hoạt chuyển nhượng thông qua sàn giao dịch với các trái chủ mới mà không cần giữ đến đáo hạn.

Kiên định với mục tiêu xuyên suốt trong việc đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, luôn chủ động trong việc bám sát các chính sách tài khoá và kinh tế vĩ mô nhằm tháo gỡ khó khăn và trợ lực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, KienlongBank sẽ sử dụng nguồn vốn huy động từ các đợt phát hành trái phiếu này để bổ sung nguồn vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số, nâng cấp hạ tầng dịch vụ và tài trợ các dự án phát triển kinh tế bền vững, phục vụ nhu cầu cho vay khách hàng trong giai đoạn 2024 – 2025. Trong đó, Ngân hàng hướng trọng tâm đến 3 lĩnh vực chủ chốt: Sản xuất kinh doanh; Nông nghiệp, nông thôn và tiêu dùng; Thương mại. Đây không chỉ là bước đi chiến lược của Ngân hàng mà còn góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế các địa phương trên cả nước.

Về tình hình kinh doanh, tính đến hết 9 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản hợp nhất và tổng huy động vốn của KienlongBank lần lượt là 91.827 tỷ đồng và 82.533 tỷ đồng, tăng 9.294 tỷ đồng và 11.114 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ghi nhận đà tăng trưởng tích cực với lợi nhuận trước thuế hơn 760 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, hoàn thành 95% chỉ tiêu lợi nhuận năm được đề ra.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng mục tiêu tăng trưởng bền vững

Kỳ vọng vào đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam nói riêng trong các năm tới, KienlongBank xem năm 2024 là năm tăng tốc trước cột mốc trở thành một Ngân hàng Số hiện đại, toàn diện vào năm 2025. Ngân hàng cũng định hướng lấy phát triển bền vững, tăng trưởng có chọn lọc, làm định hướng dẫn lối để đạt được mục tiêu trở thành ngân hàng dẫn đầu trong phân khúc bán lẻ, trợ lực cho nhu cầu tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME): Bộ giải pháp MyShop – Paybox vừa ra mắt đã lập tức thu hút trên 100.000 chủ cửa hàng kinh doanh trên cả nước sử dụng; giải pháp thanh toán KienlongBank Pay giúp doanh nghiệp, tổ chức tiết kiệm nhiều thời gian, nguồn lực thông qua hệ thống thu, chi hộ hiện đại.

Trong tương lai, mô hình Ngân hàng Số sẽ trở thành mô hình bán, cung cấp dịch vụ quan trọng tại KienlongBank. Không chỉ mang đến lời giải cho một bài toán khó, KienlongBank còn kỳ vọng sẽ kiến tạo nên một chuẩn mực mới về một mô hình Ngân hàng Số toàn diện, từ đó tạo nên vị thế của dịch vụ ngân hàng riêng biệt trong mắt khách hàng.

T.V

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục