KienlongBank (KLB) hoàn thành kế hoạch, đạt 719 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Song song với việc gia tăng tỷ trọng đầu tư vào công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng một năm bản lề vững mạnh trong lộ trình số hoá, kết quả kinh doanh trong quý IV/2023 của KienlongBank cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực, hoàn thành vượt mục tiêu năm.
KienlongBank (KLB) hoàn thành kế hoạch, đạt 719 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

Bức tranh tài chính khởi sắc của KienlongBank quý cuối năm

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, UpCoM: KLB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023. Kết quả ghi nhận đã cho thấy tín hiệu khởi sắc trong tổng thể bức tranh tài chính của Ngân hàng. Với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, thận trọng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ban Lãnh đạo KienlongBank đã triển khai nhiều giải pháp nhạy bén, chủ động ứng biến trước khó khăn thị trường. Số liệu tại thời điểm 31/12/2023 ghi nhận, tổng tài sản của KienlongBank đạt 86.972 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng đạt 56.897 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 52.580 tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch năm.

Tại báo cáo kết quả kinh doanh, KienlongBank ghi nhận lãi thuần đạt 542,6 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 144,6 tỷ đồng, trong khi lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư lần lượt mang về cho Ngân hàng 22,3 tỷ và 31,8 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế trong quý của KienlongBank ghi nhận đạt 79,5 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận trong năm 2023 lên 719 tỷ đồng, đạt 102% so với kế hoạch được Đại hội đồng Cổ đông thông qua hồi tháng 4, mang về tổng 574 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trong lộ trình chiến lược số hoá, Ngân hàng dành phần lớn nguồn lực đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số để gia tăng năng suất cũng như nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng. Đây cũng chính là một trong những chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí hoạt động của Ngân hàng trong quý. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu kép vừa chuẩn bị nền tảng vững vàng cho sự bứt phá, vừa duy trì hiệu quả kinh doanh, KienlongBank đã chủ động tối ưu chi phí vận hành, thông qua đó tiết giảm chi phí chung, đảm bảo lợi nhuận đạt kế hoạch.

Là năm đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới (2023 - 2027), để có được kết quả kinh doanh tích cực này, KienlongBank đã tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo Danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; kiểm soát chặt chẽ tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời với đó, thông qua việc dịch chuyển cơ cấu dư nợ cho thấy Ngân hàng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phát triển kinh doanh.

Đầu năm 2024, KienlongBank triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 0% nhằm kích cầu hoạt động tiêu dùng, đẩy mạnh kinh doanh

Đầu năm 2024, KienlongBank triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 0% nhằm kích cầu hoạt động tiêu dùng, đẩy mạnh kinh doanh

Năm 2023 cũng là năm ghi nhận những nỗ lực chung tay của KienlongBank trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi 8 lần liên tục thực hiện giảm lãi suất cho vay với tổng mức giảm trên 3%, vượt mục tiêu mà Chính phủ và NHNN đề ra (từ 1,5 - 2%). Không dừng lại ở đó, mở màn cho những ngày đầu năm 2024, thấu hiểu những nhu cầu chi tiêu, kinh doanh của khách hàng, KienlongBank đã triển khai chương trình ưu đãi 0% lãi suất cho vay với hi vọng mang đến trợ lực mạnh mẽ, gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho khách hàng trong thời điểm quan trọng này.

Đáng chú ý, nhờ các biện pháp quản trị rủi ro chặt chẽ cùng khẩu vị rủi ro thận trọng, việc giảm tỷ trọng cho vay đến các lĩnh vực rủi ro, tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank duy trì ở mức dưới 1,5%, thuộc nhóm thấp trong thị trường, đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, trong quý IV/2023, KienlongBank cũng đã chủ động sử dụng nguồn lực thông qua việc trích lập 229 tỷ dự phòng nhằm nâng cao nguồn lực, gia tăng bộ đệm, thực hiện bao phủ nợ xấu, nỗ lực kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức quy định, đồng thời giảm áp lực dự phòng cho các năm tới, giảm tác động của nợ xấu trong tương lai.

Tăng tốc chuyển đổi số, hướng đến xây dựng hệ sinh thái toàn diện vào năm 2025

Kỳ vọng vào đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam nói riêng trong năm tới, để hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch trọng yếu được giao phó, KienlongBank đã bám sát những chỉ đạo định hướng từ Chính phủ và NHNN, làm tiền đề để thực thi những nhóm giải pháp trọng tâm như tập trung nâng cao năng lực quản trị điều hành, chú trọng vấn đề quản trị theo thông lệ quốc tế; tăng cường giám sát, tuân thủ các quy định, chuẩn mực trong hoạt động ngân hàng; quyết liệt thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, xử lý nợ xấu; đẩy mạnh chuyển đổi số.

Bên cạnh các quyết sách kinh doanh nhạy bén với thị trường, KienlongBank cũng định hướng lấy phát triển bền vững, tăng trưởng có chọn lọc, làm tiền đề dẫn lối để đạt được mục tiêu trở thành ngân hàng dẫn đầu trong phân khúc bán lẻ, trợ lực cho nhu cầu tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Bằng việc xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được chỉ đạo triệt để và quyết liệt, KienlongBank đã và đang triển khai nhiều các sản phẩm số hóa tích hợp trên nền tảng các sản phẩm số đơn lẻ để phát triển, ứng dụng công nghệ AI nhằm đáp ứng và hỗ trợ tối đa nhu cầu của khách hàng như bộ giải pháp MyShop - Paybox, giải pháp thanh toán KienlongBank Pay…

Song song với đó, KienlongBank cũng tăng cường mở rộng mạng lưới hợp tác với nhiều các đối tác đại lý ngân hàng, các trang thương mại điện tử nhằm nâng cao hơn nữa trải nghiệm của khách hàng, thiết lập nên một hệ sinh thái số đa dạng, đáp ứng nhu cầu của đa dạng nhóm khách hàng khác nhau. KienlongBank kỳ vọng sẽ kiến tạo nên một chuẩn mực mới về một mô hình Ngân hàng số toàn diện, tạo nên vị thế mới của dịch vụ ngân hàng trong mắt khách hàng.

Diệu Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục