Kiên quyết đổi mới đầu tư công và giải quyết nợ công

(ĐTCK) Một lần nữa, thông điệp về một Chính phủ đổi mới, kiến tạo và liêm chính được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định và gửi tới các đối tác phát triển tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 tuần qua. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn

Với quyết tâm cải cách khu vực công song hành với việc thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, việc đổi mới đầu tư công được người đứng đầu Chính phủ cam kết cụ thể hóa, nhằm quản lý chặt chẽ và nâng cao năng lực đầu tư, từ đó giải quyết một cách hiệu quả nợ công trong thời gian tới.

Quản lý nợ công: chia sẻ từ Việt Nam và những khuyến nghị

Khẳng định mối quan hệ mang tính hai mặt giữa nợ công và tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là quan hệ vừa thống nhất vừa mâu thuẫn.

Theo Bộ trưởng, một quốc gia đang phát triển có nguồn lực hạn chế thì muốn tăng trưởng sẽ không tránh khỏi nợ công. Nhưng nếu quản lý nợ công không tốt và sợ tỷ lệ nợ công cao, sẽ không thể đủ nguồn lực dành cho tăng trưởng.

“Điều quan trọng là quản lý nợ công hiệu quả và mức độ nào là phù hợp. Chúng tôi cần ý kiến của các chuyên gia để giúp giải tỏa được nút thắt này trong giai đoạn phát triển tới của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề tại Diễn đàn.

"Chính phủ đang thực thi nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản"

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cũng theo Bộ trưởng, đây là thách thức lớn đặt ra cho Việt Nam trong bối cảnh nhiều diễn biến phức tạp và khó lường của nền kinh tế thế giới liên tục xảy ra.

Trong khi đó, với Việt Nam, những năm tiếp theo được xác định là giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế, để đạt những mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong trung và dài hạn. Trong đó, vấn đề tìm kiếm, sử dụng và quản lý, quản trị hiệu quả các nguồn lực đầu tư để tạo động lực cho phát triển là một trong những điểm quan trọng nhất cần giải quyết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Ở vai trò đối tác, cộng đồng đối tác phát triển đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực lớn trong đổi mới quản lý đầu tư công và quyết tâm giải quyết nợ công của Chính phủ Việt Nam.

Theo đánh giá chung của nhiều đối tác, những cải cách thực sự mạnh mẽ đã thể hiện rõ ràng trong 2 năm trở lại đây khi Luật Đầu tư công mới được Quốc hội phê chuẩn năm 2014, theo đó, đã góp phần cải thiện hệ thống quản lý nhà nước về đầu tư công, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đồng thời, Luật Ngân sách 2015 cũng mang tới “làn gió mới” trong quản lý chi tiêu công và đặt yêu cầu về xây dựng khung kế hoạch chi tiêu trung hạn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực được ghi nhận, nhận định của nhiều đối tác cũng cho rằng, còn một số tồn tại liên quan đến việc quản lý chi tiêu, tài sản công nói riêng cũng như quản lý hoạt động đầu tư công nói chung, rất cần đẩy mạnh cải cách để nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mặc dù Việt Nam đã dành mức đầu tư vào loại cao nhất trong khu vực là 10% GDP mỗi năm cho phát triển hạ tầng công cộng trong suốt thập kỷ qua, song cách tiếp cận quản lý tài sản khi đã hoàn thành vẫn tụt hậu so với khu vực. Đối tác này đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại lớn trong vấn đề quản lý tài sản công, đó là sự phức tạp, phân tán trong trách nhiệm quản lý tài sản công tại rất nhiều cơ quan, ban, ngành cấp Chính phủ.

“Với tình trạng nhiều cơ quan đang chịu các trách nhiệm khác nhau, ngay cả đối với cùng một tài sản, khiến cho việc nâng cao trách nhiệm giải trình trở nên khó khăn hơn rất nhiều”, đại diện ADB nhận xét.

Vấn đề thứ hai được đối tác này nêu là hiện có tình trạng phổ biến là các đơn vị quản lý chỉ có một hệ thống quản lý trên giấy, hoặc một danh mục kê khai các tài sản, trong đó phần lớn chỉ có thông tin về giá trị đầu tư ban đầu của tài sản, khiến các cơ quan Trung ương khó nắm rõ về tài sản hiện có, từ đó rất khó đưa ra các quyết định chiến lược. Đây là một hạn chế rất lớn, có thể dẫn tới thất thoát, tham nhũng trong định giá khi bán cổ phần hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo khuyến nghị của ADB, cần giảm sự phức tạp trong quản lý tài sản công bằng việc quy định rõ hơn vai trò và trách nhiệm của cơ quan Chính phủ, đặc biệt cần sắp xếp lại một cách hợp lý số lượng các cơ quan tham gia quản lý tài sản và loại bỏ sự chồng chéo về trách nhiệm quản lý công.  

Giảm tình trạng 30% tổng mức đầu tư công bị lãng phí

Liên quan đến hiệu quả đầu tư công, một kết quả nghiên cứu gần đây khi so sánh tương quan giữa mức đầu tư và chất lượng hạ tầng trên toàn quốc được ADB công bố cho thấy, trung bình khoảng 30% tổng mức đầu tư công bị lãng phí do đầu tư kém hiệu quả.

Đối tác này cũng dẫn kết quả một nghiên cứu được tiến hành trong năm 2014 chỉ ra rằng, việc nâng cấp hệ thống quản lý tài chính công của Việt Nam từ mức hiện tại lên mức theo thông lệ tốt nhất có thể giúp tiết kiệm thêm 22% ngân sách mỗi năm. “Có thể còn có các ý kiến khác nhau về số liệu, song những lợi ích kinh tế từ việc tăng hiệu quả trong đầu tư công là rất rõ ràng”, đại diện ADB khẳng định.

"Với tình trạng nhiều cơ quan đang chịu các trách nhiệm khác nhau, ngay cả đối với cùng một tài sản, khiến cho việc nâng cao trách nhiệm giải trình trở nên khó khăn hơn rất nhiều"

- Đại diện ADB.

Đứng trên góc độ thực hiện chính sách tài khóa để giảm nợ công, ông John Panzer, Giám đốc phụ trách kinh tế vĩ mô và quản lý tài chính khu vực châu Á - châu Âu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam cần cải thiện khả năng tiên đoán trước và độ tin cậy của định hướng chính sách, thực hiện một cách kiên định, có chủ đích quá trình điều chỉnh tài khóa theo lộ trình phù hợp, đưa ra các biện pháp điều chỉnh cơ cấu tài khóa và quản lý nợ tốt hơn với trọng tâm là phát triển mạnh thị trường trái phiếu trong nước.

Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng từ cách tiếp cận này khi cho rằng cần giảm mức thâm hụt ngân sách xuống mức 3,9% trong GDP, đảm bảo bảo lãnh nợ công dưới 65% là biện pháp đảm bảo tránh khỏi các tác động tiêu cực trong thâm hụt ngân sách, do nợ công cũng như nợ bảo lãnh của Chính phủ trong bối cảnh lãi suất giá tăng. 

Thông điệp kiên quyết cải cách từ Chính phủ

Tiếp thu và ghi nhận các đề xuất khuyến nghị của cộng đồng đối tác phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, việc nâng cao quản lý đầu tư công, đặc biệt là giải quyết nợ công ngày càng là một thách thức trong việc xây dựng chính sách vĩ mô của Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Thủ tướng khẳng định, cùng với việc huy động nguồn lực cho phát triển, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát các dự án sử dụng vốn vay theo đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Đồng thời, sẽ hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ; chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ.

“Chính phủ đang thực thi nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vay vốn. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Chiến lược và Chương trình quản lý nợ công trung hạn cũng được tập trung đẩy mạnh để giải quyết những bất cập tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác quản lý”, Thủ tướng nói.

Cùng với những giải pháp này, Thủ tướng cũng nhấn mạnh trước cộng đồng đối tác về định hướng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh - coi đây là một trọng tâm của năm 2017. Trong đó, ưu tiên trọng tâm hàng đầu là triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên vốn cho phát triển hạ tầng trọng điểm nhằm tạo sự lan tỏa và kết nối phát triển.   

“Việt Nam cần mở rộng phạm vi cơ sở dữ liệu tài sản quốc gia”

Kiên quyết đổi mới đầu tư công và giải quyết nợ công ảnh 1

 Ông Norio Saito, Phó Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á

Khi sự linh hoạt trong tài khóa Việt Nam đang giảm dần và nợ công của Việt Nam đang tiệm cận mức trần được Quốc hội cho phép, việc nâng cao tính hiệu quả trong chi tiêu công là yếu tố sống còn, giúp cải thiện chất lượng và dịch vụ hạ tầng, tiếp tục sự nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo về lâu dài.

Theo chúng tôi, Việt Nam cần mở rộng phạm vi cơ sở dữ liệu tài sản quốc gia để theo dõi tất cả tài sản hạ tầng chính của quốc gia mình. Đây là vấn đề quan trọng giúp hiểu rõ hơn về tác động lâu dài của từng dự án đầu tư công cụ thể và có cái nhìn kinh tế tổng thể về tài sản của Việt Nam.   

“Vốn ODA cần được sử dụng hiệu quả hơn, làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển”

Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF

Theo chúng tôi, để giảm nợ công và tăng niềm tin với cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần tập trung củng cố tài khóa và nâng cao hiệu quả quản lý chi tiêu thường xuyên. Quan trọng hơn nữa là cần  thúc đẩy biện pháp tăng nguồn thu ngân sách và tiếp tục củng cố tài chính trong trung hạn. Theo đó, cần sớm thực hiện biện pháp tăng nguồn thu ngân sách  ngay từ đầu quá trình củng cố tài khóa. Nguồn vốn ODA cần được sử hiệu quả hơn và góp phần làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục