“Kiến quốc” và “kiến tạo”

Sau 71 năm giành độc lập, vấn đề xây dựng một nhà nước kiến tạo phát triển lại được đặt ra cấp bách. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Thực tế, “Nhà nước kiến tạo” hay “Chính phủ kiến tạo” không phải là khái niệm hay mô hình mới. Hơn 70 năm trước, sau khi nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á hình thành, thì Chính phủ kháng chiến và kiến quốc cũng đã được thiết lập, xuất phát từ yêu cầu lúc bấy giờ của Cách mạng Việt Nam. Nhưng hai chữ “kiến quốc” khi ấy có lẽ bao trùm cả ý nghĩa “kiến tạo” ngày hôm nay. “Kiến tạo” chính là một sự cụ thể hóa của “kiến quốc” trong điều kiện phát triển mới.

Hơn 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh việc Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Cách đây 5 năm, trong bài viết xác định nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, phải chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển và tinh thần đó đã được thực hiện xuyên suốt cho tới nay.    

Còn hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại một lần nữa nhấn mạnh việc mang tinh thần phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp vào mọi hoạt động điều hành.     

Như vậy, về bản chất, dù là nhà nước kiến quốc hay kiến tạo cũng đều là nhà nước “của dân, do dân, vì dân”.

Suốt hành trình hơn 70 năm qua của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã kháng chiến thành công, từng bước đi lên CNXH, thực hiện thành công công cuộc Đổi mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Trong bối cảnh mới, khi kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, thì rất cần một bước chuyển quan trọng từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ.

Trước đây, dưới danh nghĩa thúc đẩy kinh tế phát triển, Nhà nước đã thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung, can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế, loại bỏ và làm thay chức năng của thị trường. Nhưng hiên nay, điều đó không còn phù hợp. Bởi chỉ khi Nhà nước tập trung xây dựng khung khổ pháp lý, thể chế phù hợp, tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực, sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội; xóa bỏ rào cản, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm… thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Dân giàu thì nước mạnh. Để người dân làm giàu cần phải có một nhà nước kiến tạo nhằm xây dựng một nền kinh tế thị trường lành mạnh, khuyến khích người dân, doanh nghiệp làm giàu hợp pháp. Khi ấy, Việt Nam mới thực sự đủ mạnh để có một nền kinh tế độc lập, tự chủ, thịnh vượng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Việt Nam đang hướng tới Tầm nhìn 2035 thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, đồng thời nỗ lực cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Những mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi nền kinh tế thị trường vận hành một cách đồng bộ, đầy đủ nhất và khi một Chính phủ, một Nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính phát huy tốt vai trò của mình.

Chính phủ mới đã rất quyết tâm, đã gửi thông điệp rất rõ ràng về việc phải đẩy mạnh chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Vì thế, sau hơn 70 năm lập quốc, hoàn toàn có thể kỳ vọng về một bước ngoặt mới cho sự phát triển đất nước, để tiếp nối hành trình vẻ vang hơn 70 năm qua mà Việt Nam đã đạt được.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục