Kiên nhẫn giải bài toán khó về quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ thúc đẩy tiến độ các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, mà Chính phủ đã tính đến các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý công tác này.
Luật Quy hoạch đã có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2019, nhưng đến cuối tháng 3/2022, hầu hết các quy hoạch phải lập theo Luật này đều chưa được phê duyệt. Luật Quy hoạch đã có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2019, nhưng đến cuối tháng 3/2022, hầu hết các quy hoạch phải lập theo Luật này đều chưa được phê duyệt.

Nhiều quy hoạch không tìm nổi nhà thầu

Trong chương trình phiên họp thứ 10 (từ ngày 14 đến 27/4/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Đây là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội khóa XV, chứa đựng không chỉ một bài toán khó cần có lời giải qua giám sát.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quá trình triển khai công tác quy hoạch vừa qua có 2 vấn đề lớn khiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cử tri và nhân dân còn lo lắng, băn khoăn.

Trước hết, tiến độ lập quy hoạch còn chậm, khi mà Luật Quy hoạch đã có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2019, nhưng đến cuối tháng 3/2022, hầu hết các quy hoạch phải lập theo Luật này đều chưa được phê duyệt. Thời điểm đó, trong danh sách đã phê duyệt, mới có một quy hoạch quốc gia về sử dụng đất, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông, một quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Dự báo lạc quan nhất thì cũng phải đến hết năm 2022, các quy hoạch còn lại mới hoàn thành.

Để có được kết quả giám sát khách quan, toàn diện trình Quốc hội, trong tháng 3/2022, Đoàn giám sát của Quốc hội lần lượt làm việc với các bộ khối kinh tế, khối văn hóa - xã hội, 5 thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh có tính đại diện cho các vùng miền của cả nước.

Qua đây, những bất cập của văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, của các văn bản chỉ đạo, điều hành, các quy định pháp luật có liên quan được nhìn nhận rõ hơn. Các nguyên nhân chủ quan từ chậm đổi mới tư duy, phối hợp chưa tốt của các cơ quan chịu sự giám sát cũng được phân tích kỹ càng hơn.

Và một trong những khó khăn rất lớn, đó là đội ngũ tư vấn lập quy hoạch vừa thiếu về số lượng, vừa chưa cập nhật tư duy mới của Luật Quy hoạch, vừa yếu về kỹ thuật lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp. Điều này khiến các quy hoạch lĩnh vực kinh tế và ở địa phương tìm được tư vấn đã khó, các lĩnh vực khác lại càng khó hơn.

Chẳng hạn, đối với Quy hoạch Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 3 lần gia hạn thông báo mời thầu, vẫn không có đơn vị tham gia dự thầu.

Quy hoạch Hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng lâm vào cảnh tương tự.

Thuộc nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Quy hoạch Phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho đến khi đóng thầu và sau đó gia hạn thêm cũng không nhận được hồ sơ nào dự thầu.

Nhiều câu hỏi chờ được trả lời

Sau khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, cuối tháng 3/2022, Đoàn giám sát đã làm việc với Chính phủ. Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký báo cáo bổ sung kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, theo yêu cầu của đoàn giám sát.

Đoàn giám sát cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ hệ thống chính sách pháp luật về quy hoạch có vướng mắc khi triển khai không, có bảo đảm hoàn thành các quy hoạch như tiến độ Chính phủ đề ra và bảo đảm chất lượng hay không, Luật Quy hoạch và các luật liên quan có bất cập, mâu thuẫn thì có cần phải sửa ngay không...

Giải đáp những vấn đề trên cũng như nhiều băn khoăn khác của các bộ, ngành, địa phương, liên quan đến lựa chọn tư vấn, Chính phủ cho biết, đã cho phép các bộ tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26, Luật Đấu thầu để lập các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa tổ chức lựa chọn được nhà thầu lập quy hoạch.

Đồng thời, Chính phủ cũng giao các bộ, ngành xây dựng phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26, Luật Đấu thầu cho từng quy hoạch cụ thể, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để triển khai thực hiện.

Theo đánh giá của Chính phủ, nội dung và chất lượng công tác quy hoạch đã được cải thiện một bước quan trọng, như việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch và chồng lớp bản đồ đã khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ trước đây. Quá trình thực hiện cũng đã tăng cường sự phối hợp đồng bộ liên ngành, liên cấp trong suốt quá trình lập và thực hiện quy hoạch.

Lập quy hoạch theo tư duy mới cũng đã xóa bỏ sự phân biệt giữa quy hoạch vật thể và quy hoạch phi vật thể trước đây, đưa việc sắp xếp, phân bố không gian thành nội dung chính của quy hoạch, xác định rõ mục tiêu của quy hoạch là tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho đất nước, nâng cao sự gắn kết liên ngành, liên vùng. Việc này đạt được nhờ vào 2 giải pháp chính: tích hợp quy hoạch và đổi mới nội dung quy hoạch theo hướng đề cao việc tổ chức không gian phát triển.

Sau các cuộc giám sát, tại Nhà Quốc hội vẫn tiếp tục diễn ra một số cuộc hội thảo về công tác quy hoạch. Điều này cho thấy "bài toán khó" về quy hoạch cần huy động thêm đóng góp của các chuyên gia để có lời giải cho thấu đáo. Bởi, bên cạnh khẳng định kết quả, qua giám sát, phải chỉ rõ được những vướng mắc và kiến nghị giải pháp khắc phục, đặc biệt là những giải pháp cần Quốc hội ra tay.

Kiên nhẫn tháo gỡ từng chút để đến cuối năm nay, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh còn lại có thể được phê duyệt, Chính phủ cũng tính đến giải pháp căn cơ hơn cho công tác quy hoạch. Đó là, sau khi các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 được phê duyệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, từ đó phát hiện các điểm chưa phù hợp của Luật Quy hoạch và luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thi hành, kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch.

Không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch 5 năm

“Tiến độ lập quy hoạch hiện nay ảnh hưởng thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội?” là câu hỏi luôn được nêu ra trong quá trình giám sát.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc các quy hoạch được phê duyệt trong năm 2022 sẽ không ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Các nội dung trên được Đại hội XIII thông qua tháng 2/2021, do vậy, quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 của các ngành, các cấp được xây dựng từ năm 2021 đến nay sẽ cụ thể hóa được các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Đảng đề ra.

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết định tháo gỡ các khó khăn khi quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa được phê duyệt.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục