Kiện đòi 30.000 cổ phiếu bị bán mất

Tòa án cấp sơ thẩm xác định hai bên tranh chấp hợp đồng gửi giữ. Các ý kiến khác bảo đây chỉ là đòi lại tài sản.
Kiện đòi 30.000 cổ phiếu bị bán mất

 

Tới đây, TAND TP.HCM sẽ xử phúc thẩm vụ tranh chấp 30.000 cổ phiếu của một công ty sữa giữa bà Phạm Thị Tuyết Lan với ông Nguyễn Tiến Dũng. Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên ông Dũng phải trả lại cho bà Lan hơn 11,5 tỉ đồng vì đã tự ý bán cổ phiếu của bà Lan...

 

Nhờ đứng tên giùm

 

Theo đơn khởi kiện, năm 2009, bà Lan mua 30.000 cổ phiếu rồi nhờ ông Dũng đứng tên giùm. Đôi bên lập văn bản thỏa thuận phía ông Dũng không được có bất kỳ hành vi nào làm giảm giá trị số lượng cổ phiếu; không mua bán, tặng cho, cho thuê, để lại thừa kế, cầm cố, thế chấp... cổ phiếu nếu không có sự đồng ý của bà Lan. Khi bà Lan mua bán hoặc lấy lại cổ phiếu thì ông Dũng phải thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan.

 

Một năm sau, qua tìm hiểu, bà Lan biết ông Dũng đã bán hết số cổ phiếu nói trên rồi lấy tiền dùng vào việc riêng. Bà nhiều lần yêu cầu ông Dũng trả lại cổ phiếu nhưng không được đáp ứng. Không còn cách nào khác, bà Lan đành phải khởi kiện đòi ông Dũng hoàn trả cổ phiếu và tiền cổ tức phát sinh.

 

Được tòa mời lên làm việc, ông Dũng cho biết ông không tự ý bán cổ phiếu của bà Lan mà thực tế việc này đã được bà Lan đồng ý. Mọi thông báo giao dịch đều thể hiện trên số điện thoại của bà Lan (đăng ký tại một công ty chứng khoán). Quá trình này thể hiện rất minh bạch, rõ ràng trong bản sao kê của công ty chứng khoán nói trên... Toàn bộ số tiền thu được đã được gửi tiết kiệm. Bà Lan đứng tên một sổ, sổ còn lại đứng tên ông. Bà Lan cho rằng ông tự ý bán số cổ phiếu trên là không đúng sự thật.

Kiện đòi 30.000 cổ phiếu bị bán mất ảnh 1

 

Tự ý bán cổ phiếu

 

Xử sơ thẩm tháng 11-2012, TAND quận Bình Thạnh nhận định hai bên đang tranh chấp hợp đồng gửi giữ. Qua xem xét, HĐXX nhận thấy các chứng cứ mà ông Dũng đưa ra là không rõ ràng, chưa đủ cơ sở xác định bà Lan đồng ý cho ông Dũng bán cổ phiếu. Hơn nữa, theo báo cáo của công ty chứng khoán, việc mua bán cổ phiếu đều do ông Dũng thực hiện. Số tiền giao dịch cũng không chuyển cho bà Lan bằng bất kỳ hình thức nào.

 

Từ đó, tòa tuyên buộc ông Dũng phải hoàn trả giá trị của 30.000 cổ phiếu tính tại thời điểm xét xử là 3,75 tỉ đồng. Mặt khác, ông Dũng tự ý bán cổ phiếu, gây thiệt hại cho bà Lan nên phải bồi thường 270 triệu đồng tiền cổ tức. Ngoài ra, từ năm 2009 đến 2011, công ty sữa nói trên còn phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông nên ông Dũng phải bồi thường khoản này cho bà Lan 7,5 tỉ đồng. Tổng cộng, ông Dũng phải trả cho bà Lan 11,52 tỉ đồng.

 

Ngay sau đó, ông Dũng kháng cáo. Ông cho biết giữa ông và bà Lan có quan hệ tình cảm. Giao dịch giữa ông với bà Lan thực chất là hợp tác làm ăn chung. Bà Lan bỏ vốn còn ông chịu trách nhiệm mua bán kiếm lời, hoàn toàn không có vấn đề gửi giữ ở đây. Đầu năm 2011, ông quyết định chấm dứt tình cảm nên bà Lan mới đòi cổ phiếu đã bán. Mặt khác, bản cam kết thỏa thuận là do bà Lan lừa ông ký nên nó hoàn toàn vô hiệu...

 

Không phải gửi giữ?

 

Việc đánh giá chứng cứ theo kháng cáo của ông Dũng như thế nào, tới đây tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét. Tuy nhiên, trong vụ án có một vấn đề pháp lý gây tranh cãi. Một thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM cho rằng tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là tranh chấp hợp đồng gửi giữ là không chính xác. Việc gửi giữ chỉ được xác lập khi đó là tài sản đứng tên bà Lan và ông Dũng giữ giúp, nay bà đòi lại. Đôi bên ký cam kết thỏa thuận đứng tên giùm thì đây thuộc trường hợp đòi tài sản. Việc xác định quan hệ tranh chấp là rất quan trọng vì nó quyết định đến việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan để giải quyết.

 

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích sâu hơn, đặc trưng của hợp đồng gửi giữ gồm ba yếu tố: giao tài sản gửi giữ, bảo quản tài sản và giao trả tài sản từ người giữ khi kết thúc hợp đồng. Ba yếu tố này trong cam kết thỏa thuận giữa đôi bên nguyên bị đều không thỏa mãn. Vì thực tế đôi bên không chuyển giao vật mà chỉ chuyển giao quyền...

 

Tòa xác định đúng quan hệ tranh chấp

 

Tôi cho rằng tranh chấp trong vụ án là tranh chấp về hợp đồng gửi giữ như án sơ thẩm xác định. Bởi xét các khía cạnh, ông Dũng chưa đủ tư cách là chủ sở hữu về mặt pháp lý của số cổ phiếu trên. Bởi dù ông đứng tên chủ cổ phiếu nhưng trước đó giữa ông và bà Lan đã có cam kết là để ông đứng tên giùm. Ông không được có bất kỳ hành vi nào làm giảm giá trị số lượng cổ phiếu nói trên, không mua bán, tặng cho, cho thuê, để lại thừa kế đối với số cổ phiếu này mà không có sự đồng ý của bà Lan. Do vậy, khi bà Lan đòi lại số cổ phiếu này thì phải xác định đây là tranh chấp về gửi giữ...

 

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM


PL TP.HCM

Tin cùng chuyên mục