Quá trình kiểm tra sẽ được bắt đầu khi nào và tiến hành ra sao, thưa ông?
Trước hết, NHNN TP. HCM yêu cầu các NHTM trên địa bàn có tham gia giải ngân gói tín dụng ưu đãi lãi suất 5%/năm báo cáo tình hình giải ngân đến cuối tháng 7/2015.
Đồng thời, các ngân hàng sẽ trình bày các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai gói tín dụng trên dành cho khách hàng cá nhân có thu nhập thấp, ổn định vay mua nhà, cũng như cho các DN vay triển khai dự án nhà ở xã hội.
Từ các báo cáo đó, chúng tôi sẽ đặt ra các nghi vấn liên quan để kiểm tra toàn bộ hoạt động cho vay của ngân hàng. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm với quy định giải ngân sẽ bị xử lý nghiêm.
Thực tế, việc xử lý triệt để các vấn đề không phải dễ nếu ngân hàng cố tình trục lợi, chẳng hạn, việc ngân hàng bắt khách hàng mở tài khoản gửi tiết kiệm song song mới ký hợp đồng tín dụng, để được hưởng lãi suất hỗ trợ từ gói vay ưu đãi trên?
Điều đó là trái với quy định về cho vay, không chỉ với gói tín dụng ưu đãi nói trên mà với hoạt động tín dụng nói chung. Vì vậy, sau khi thanh, kiểm tra nếu phát hiện ngân hàng nào vi phạm, chúng tôi sẽ có những biện pháp để xử lý triệt để.
Bởi chủ trương đưa ra gói vốn tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng là dành cho những người có thu nhập thấp mua nhà, với giá dưới 1,05 tỷ đồng hoặc các dự án nhà ở xã hội. Do đó, nếu khách hàng đã vay vốn mà ngân hàng đòi hỏi mở sổ tiết kiệm song hành sẽ rất khó cho khách hàng.
Mặt khác, giả sử tổng số tiền giải ngân cho khách hàng là 400 triệu đồng, trong khi khách hàng phải mở sổ tiết kiệm 250 triệu đồng tại ngân hàng, thì thực chất, ngân hàng chỉ cho vay 150 triệu đồng. Trong khi, dư nợ giải ngân thực tế cho khách hàng là 400 triệu đồng, như vậy, ngân hàng sẽ được hưởng lãi suất bù đắp từ NHNN trong cho vay gói vốn này.
Nếu phát hiện trường hợp các ngân hàng trục lợi, vi phạm, NHNN sẽ xử lý ra sao?
Từ phản ảnh của người dân, NHNN TP. HCM sẽ cho kiểm tra để nắm bắt tình hình, từ đó xem xét vì sao ngân hàng đó lại cho vay với những trường hợp như vậy và có biện pháp xử lý những ngân hàng làm sai quy định.
Trong đợt kiểm tra này, không chỉ gói gọn trong những ngân hàng mà báo chí phản ánh, NHNN TP. HCM còn mở rộng ra những ngân hàng khác có cho vay gói 30.000 tỷ đồng. Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, NHNN sẽ xử lý tùy theo mức độ, có thể là thu hồi lãi suất đã hỗ trợ hoặc thu hồi vốn cho vay vì cho vay sai đối tượng, nặng hơn nữa là sẽ xử phạt theo quy định.
Tiến độ giải ngân vốn của các ngân hàng với gói vốn này đến nay ra sao, thưa ông?
Mặc dù đã có không dưới 14 NHTM tham gia giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng, nhưng chủ yếu dư nợ tín dụng tăng trưởng đến từ 4 NHTM có vốn nhà nước gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank. Phần các NHTM còn lại tiến độ giải ngân còn khá chậm.
Tính đến hết tháng 7/2015, dư nợ tín dụng gói 30.000 tỷ đồng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố là 2.200 tỷ đồng. Số vốn cam kết cho vay là khoảng 4.000 tỷ đồng cho hơn 5.000 khách hàng. Trong đó, phần lớn là khách hàng cá nhân. Đối với khách hàng DN, mới có 2 DN vay gói 30.000 tỷ đồng, nhưng thực tế dư nợ giải ngân cho hai DN này chưa cao.
Vì sao nhiều ngân hàng tham gia, nhưng tiến độ giải ngân gói vốn này vẫn rất chậm?
Cách đây 2 tháng, NHNN TP. HCM đã có đoàn công tác đến làm việc với một số ngân hàng tham gia cho vay gói 30.000 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện về mức thu nhập đang “đánh đố” người vay, do thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng bị cho là thu nhập cao, không đúng đối tượng; còn dưới 9 triệu đồng/tháng ngân hàng lại từ chối do không đủ khả năng trả nợ. Quy định như vậy quả thật đang gây khó khăn cho người vay.
Vướng mắc này nằm ở phía Bộ Xây dựng. Thời gian qua, các NHTM tham gia cho vay đã nhiều lần lên tiếng, nhưng trong văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM mới đây, Bộ Xây dựng vẫn cho rằng, không thể bỏ điều kiện chứng minh thu nhập thấp. Như vậy, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng thời gian tới vẫn sẽ tắc, bởi đây không phải là gói cấp phát, nếu có rủi ro ngân hàng phải tự gánh chịu. Vì thế, yêu cầu ngân hàng đưa ra đối với khách hàng vẫn là chứng minh được khả năng trả nợ.