Kiểm tra kế toán đang bị buông lơi

(ĐTCK) Sau gần 10 năm được áp dụng, Luật Kế toán 2003 đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, lạc hậu so với thực tiễn phát triển của nền kinh tế.
Kiểm tra kế toán đang bị buông lơi

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, đã đến lúc Luật cần phải sửa đổi để phù hợp hơn với bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế.  

Luật Kế toán 2005: nhiều quy định đã lạc hậu

Theo ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Luật Kế toán năm 2003 đã tạo lập được hành lang pháp lý cho các đơn vị, tổ chức thực hiện công tác kế toán, lập và công khai báo cáo tài chính, cho cả khu vực kinh doanh và khu vực hành chính sự nghiệp.

“Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường hiện nay đã phát triển khá mạnh, các hoạt động đầu tư, liên doanh, liên kết đa dạng, đa chiều, đa ngành, nhiều thành phần, hình thành các tập đoàn kinh tế, các nguyên tắc và nội dung quy định trong Luật Kế toán tỏ ra chưa đủ cơ sở pháp lý cho quản lý, chưa đủ chế tài, thiếu các quy định để bắt buộc thiết kế hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán hiệu quả. Các quy định pháp lý về quyền hạn, trách nhiệm trước pháp luật của người làm kế toán, của từng cấp quản lý công tác kế toán đã không còn phù hợp”, ông Mai nói.

Đồng thuận với quan điểm đổi mới Luật Kế toán, PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam chia sẻ, các nguyên tắc và nội dung quy định trong Luật Kế toán 2003 cơ bản phù hợp với giai đoạn đầu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế, khi các cơ chế, cấu trúc kinh tế chưa phát triển và phức tạp như hiện nay.

Theo phân tích của ông Mai, quy định của Luật Kế toán hiện hành chủ yếu phù hợp với hình thức ghi chép kế toán thủ công, trong khi hầu hết đơn vị kế toán hiện nay đã thực hiện ghi chép, hạch toán trên máy tính. Dịch vụ kế toán, Hội nghề nghiệp về kế toán đã phát triển, các quy định của Luật cũng không còn phù hợp…, quy định về kiểm tra kế toán, kiểm toán cũng không còn phù hợp với thành phần kinh tế cá thể, không phù hợp về xử lý tài sản tổn thất, mất mát, về xử phạt gian lận, vi phạm hành chính về kế toán.

Kiến nghị được đưa ra từ ông Mai, Luật Kế toán cần được sửa đổi theo hướng phù hợp với cam kết WTO và chiến lược phát triển kế toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trước hết là yêu cầu công khai, minh bạch hệ thống thông tin về kinh tế, tài chính mà cơ bản là số liệu từ công việc kế toán. “Kế toán, kiểm toán Việt Nam đã cam kết mở cửa gần như hoàn toàn, do đó, phải tiếp cận gần nhất với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, với hệ thống thông tin tự động liên kết toàn cầu, tiếp cận về tổ chức quản lý, giám sát thực thi pháp luật kế toán”, ông Mai nói.

Cũng theo ông Mai, khi sửa đổi Luật Kế toán, cần xem xét sửa đổi nguyên tắc giá trị tài sản được tính theo giá gốc thành nguyên tắc kết hợp giữa giá gốc với giá trị hợp lý (giá thực tế, giá thị trường). Theo đó, tài sản được ghi nhận ban đầu theo giá gốc, sau đó, nếu có các yếu tố tác động làm cho giá gốc không còn phù hợp thì giá trị tài sản được ghi lại theo giá trị hợp lý. Điều kiện để được ghi nhận theo giá trị hợp lý phải được quy định chặt chẽ, tránh trường hợp DN lợi dụng nguyên tắc này để chế biến, khai khống giá trị tài sản.

 

Kiểm tra kế toán đang bị buông lơi

Theo ông Mai, hiện không còn hệ thống quản lý giám sát công tác tài chính - kế toán theo ngành nên các đơn vị không tổ chức quản lý tài chính kế toán theo ngành kinh tế như trước dẫn đến thiếu việc tuyên truyền, phổ biến, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát cả về thực hiện kế toán và quản lý tài chính, dẫn đến pháp luật về kế toán không chắc chắn đến được người thực hiện.

Ngoài ra, trong Luật (Mục 4, Chương II) đã có quy định về công tác kiểm tra kế toán, nhưng trên thực tế, gần như không có hoạt động kiểm tra kế toán, không có xử lý sai phạm về kế toán, đã làm giảm thiểu nghĩa vụ tuân thủ pháp luật về kế toán.  

Vai trò của người làm kế toán, của kế toán trưởng trong các đơn vị cũng đang bị coi nhẹ, kể cả ở khu vực DN 100% vốn nhà nước, DN Nhà nước nắm cổ phần chi phối… Một chuyên gia cho rằng, việc chưa nhìn nhận đúng vai trò của kế toán trưởng là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí.

Tại một số đơn vị, kế toán viên, kế toán trưởng bị coi như công cụ để chế biến các số liệu tài chính. Trong vụ án tham nhũng tại CTCP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon Việt Nam) vừa được đưa ra xét xử, các bị cáo: Đàm Tú Liên, nguyên Kế toán trưởng Công ty, bị cáo Dương Thị Mẫn, nguyên kế toán thanh toán và Ka Thị Thu Hồng đã chấp hành mệnh lệnh cấp trên, lập và ký nhiều chứng từ giả thu, giả chi, hạch toán sai tài khoản, tạo điều kiện để bị cáo Nguyễn Thanh Huyền, Nguyễn Bi chiếm đoạt tiền Nhà nước và các cổ đông số tiền lên tới 18,2 tỷ đồng.    

>>Điều lệ công ty: Quan trọng đến đâu? 

>>Sửa Luật DN: Thống nhất một tỷ lệ “vàng”

>>Quyền lực của người đại diện theo pháp luật trong CTCP

Hoàng Hải
Hoàng Hải

Tin cùng chuyên mục