Kiểm toán viên cũng… lúng túng với thuế

(ĐTCK) Hơn 60 câu hỏi đã được chuyển đến diễn giả trong buổi tọa đàm và giải đáp các vướng mắc về chính sách thuế do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) tổ chức sáng qua (26/11).
Kiểm toán viên cũng… lúng túng với thuế

Thực tế này cho thấy, ngay cả lực lượng kiểm toán viên hành nghề cũng đang gặp không ít lúng túng với chính sách thuế.

Thay đổi liên tục

Trong khuôn khổ một buổi sáng, Ban tổ chức Buổi tọa đàm cho biết, diễn giả chỉ có thể xử lý được chừng ấy câu hỏi gửi đến, vẫn còn nhiều thắc mắc mà kiểm toán viên hành nghề muốn được giải đáp, nhưng thời gian không cho phép. Được biết, đây là buổi tọa đàm về thuế đầu tiên được VACPA tổ chức theo sáng kiến cập nhật chính sách thuế miễn phí hàng quý cho hội viên VACPA.

Ý tưởng này xuất phát từ nguyện vọng thực tế của Hội viên VACPA, những người đang cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán hay tư vấn thuế....

Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh, chính sách thuế trong những năm qua có sự thay đổi liên tục. “Tôi biết có nhiều người đang làm nghề tư vấn thuế, nhưng không có đủ hiểu biết về pháp luật thuế và tư vấn sai cho khách hàng”, ông Phụng cho biết.

Thực tế, để có được chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề, trở thành hội viên của VACPA, họ đã phải trải qua kỳ thi trải qua kỳ thi rất nghiêm ngặt, với những yêu cầu cao về kiến thức tài chính, kế toán cũng như hiểu biết về chính sách, pháp luật thuế. Vậy nhưng, với sự thay đổi liên tục của các quy định thuế, sự chồng chéo của nhiều văn bản, các kiểm toán viên gặp không ít khó khăn trong việc cập nhật.

 

Chưa có quy định thuế đối với thu nhập chuyển nhượng vốn góp

Tại buổi tọa đàm, các thắc mắc của kiểm toán viên tập trung chủ yếu vào những quy định liên quan đến quy định khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế giá trị gia tăng, việc tính các khoản chi phí hợp lý trong DN. Điều này phản ánh một thực tế, DN cũng như phía đơn vị tư vấn thuế đang có nhiều vướng mắc với các quy định của Luật thuế GTGT.

Trước nhiều câu hỏi của kiểm toán viên về việc khách hàng làm hồ sơ hoàn thuế GTGT nhưng đã bị cơ quan thuế ách lại, đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách thuế chia sẻ thông tin, vừa qua, ở Đồng Nai, cơ quan thanh tra thuế đã phát hiện một trường hợp DN cấp huyện kê khai doanh thu xuất khẩu trong hai năm hơn 20.000 tỷ đồng, tính ra bình quân, mỗi tháng DN này phải có giá trị xuất khẩu khoảng 1.000 tỷ đồng. “Điều này là hết sức phi lý.

Trong bối cảnh hàng triệu người làm bậy, chẳng may DN bạn làm tư vấn thuế bị ách lại không được hoàn thuế GTGT, thì cũng phải thông cảm với Nhà nước”, ông Phụng nói.

Ông Phụng cũng thừa nhận, không ít quy định, chính sách thuế có kẽ hở, gây khó cho DN. Chẳng hạn, trước kia, DN đang trong giai đoạn tạm ngừng hoạt động kinh doanh, chờ giải thể không phải tiến hành kê khai thuế. Về lý thì lúc này, DN không có hoạt động kinh doanh, nhân sự làm công tác lập tờ kê khai thuế cũng nghỉ việc và miễn thủ tục kê khai thuế sẽ giảm phiền hà cho DN.

Tuy nhiên, thực tế lại phát sinh vấn đề, trong quá trình tạm ngừng hoạt động đó, có thể DN “bỗng dưng” bán được hàng và khi đó, hệ lụy mà khách hàng phải gánh chịu là không được hưởng quy định khấu trừ thuế GTGT, không được tính chi phí hợp lý hợp lệ.

“Vừa rồi, nhiều DN tại Hà Nội và TP. HCM đã nhảy lên như cào cào vì nhận phải hóa đơn của DN “đen” kiểu này”, ông Phụng nói và cho biết, tình trạng trên đã được khắc phục với quy định mới, DN trong giai đoạn tạm ngừng hoạt động, nếu hoạt động trở lại sẽ phải kê khai thuế trong vòng 5 -10 ngày.

Trả lời câu hỏi về chính sách thuế đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp, nghiệp vụ kinh tế đang khá phổ biến trên thị trường chứng khoán, nhiều DN kiểm toán đang tham gia tư vấn nghiệp vụ này, ông Phụng cho biết, đây là mảng hoạt động mà pháp luật về thuế chưa có quy định rõ ràng.

Với thắc mắc về việc một khách hàng DN có mua suất ăn ca từ bên ngoài để phục vụ cán bộ công nhân viên, thì liệu có được hoàn thuế GTGT của khoản tiền này hay không, ông Phụng cho biết, hiện Bộ Tài chính đang xem xét đối với vấn đề này.

 

“ DN phải biết đấu tranh với cơ quan thuế”

Theo ông Phụng, việc có vướng mắc giữa DN với cơ quan thuế là điều hết sức bình thường và trong trường hợp ấy, DN nên chủ động giải trình với cơ quan thuế về thực tiễn hoạt động của DN mình. Trong trường hợp DN chưa “tâm phục khẩu phục” với cơ quan quản lý thuế thì có thể khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên.

Ông dẫn ra trường hợp cơ quan thuế từng không chấp nhận việc CTCP Đường Lam Sơn (LSS) tính khấu hao tài sản cố định ngoài mùa vụ chế biến mía đường, với lý do lúc này dây chuyền tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, khi phía LSS giải thích về việc ngoài hoạt động chế biến mía đường, LSS còn sản xuất bánh kẹo quanh năm và công ty này đã được phía cơ quan thuế chấp thuận cho tính khấu hao tài sản với dây chuyền sản xuất như ban đầu.           

>>Doanh nghiệp "chóng mặt" vì chính sách thuế

>>Một số chính sách thuế có hiệu lực từ 1/7: Kích cầu gián tiếp

>>Doanh nghiệp châu Âu quan ngại chính sách thuế

Hằng Phương
Hằng Phương