Kiểm toán nội bộ: “Yếu” không hẳn vì “thiếu”

(ĐTCK) Bộ phận kiểm toán nội bộ (KTNB) có chức năng giám sát, đánh giá, dự báo rủi ro và đưa ra định hướng khắc phục rủi ro đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chưa “mặn mà” với một trong những thông lệ tốt này của quốc tế.
Kiểm toán nội bộ: “Yếu” không hẳn vì “thiếu”

Không hẳn vì chưa có quy định cụ thể

Tại hội thảo “Cách thức xây dựng và vận hành chức năng kiểm toán nội bộ hiệu quả tại Việt Nam và các thông lệ quốc tế” do Smart Train phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ vừa tổ chức, các diễn giả cho rằng, thách thức lớn nhất của việc xây dựng kiểm toán nội bộ (KTNB) tại Việt Nam nằm ở nguồn nhân lực, phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Trong khi đó, việc đầu tư cho nhân lực phụ thuộc vào ý chí chủ quan của lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng mức độ quan tâm và hiểu về KTNB, cũng như nhìn thấy được những giá trị tạo ra từ việc xây dựng bộ phận KTNB của đa số doanh nghiệp còn hạn chế.

Theo bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính, hiện mới chỉ có một bộ phận nhỏ doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp nhà nước quan tâm tổ chức bộ phận KTNB theo thông lệ quốc tế, phần lớn các doanh nghiệp còn lại chưa tổ chức được chức năng KTNB trong cơ cấu quản trị doanh nghiệp.

Báo cáo thẻ điểm quản trị ASEAN 2015 - 2016 cho thấy, trong 55 công ty niêm yết Việt Nam tham gia đánh giá, có 22 công ty có bộ phận KTNB độc lập.

Trong 22 doanh nghiệp này, chỉ có 5 công ty công bố danh tính của trưởng ban KTNB. Đáng chú ý, không có trường hợp nào công bố việc bổ nhiệm và bãi nhiệm nhân viên KTNB phải thông qua ban kiểm soát.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là khung pháp lý chưa rõ ràng, khiến doanh nghiệp lúng túng khi triển khai, dẫn đến việc tổ chức còn hạn chế và không phát huy được vai trò, tác dụng của KTNB.

Trong khi đó, đây là một trong những tuyến phòng thủ rủi ro cuối cùng trong việc ngăn ngừa rủi ro phát tán ra bên ngoài doanh nghiệp.

“Hiện nay, chưa có một văn bản nào quy định một cách chi tiết và cụ thể về KTNB. Bộ Tài chính sẽ trình dự thảo Nghị định quy định về kiểm toán nội bộ, hướng dẫn Luật Kế toán để Chính phủ xem xét ban hành”, bà Nhung cho biết.

Thực tế, tại nhiều thị trường phát triển, việc thực hiện chức năng KTNB ở doanh nghiệp là “quy định mở”.

Chẳng hạn, tại Úc, Singapore hay Hồng Kông, không có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải có KTNB, nhưng dưới áp lực từ nhu cầu của nhà đầu tư, bản thân các doanh nghiệp đều có ý thức tự xây dựng một hệ thống KTNB để tăng cường giám sát hoạt động, hạn chế rủi ro có thể xảy ra.

Nếu không có KTNB sẽ là một bất lợi đối với doanh nghiệp này khi so với doanh nghiệp khác trong việc thu hút đầu tư bên ngoài.

Ông Richard Chambers, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA) cho hay, rất ít quốc gia có quy định pháp lý đối với bộ phận KTNB, dù đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết, nhu cầu phải có KTNB ngày càng cao để thỏa mãn nhu cầu thông tin của nhà đầu tư.

“Tôi cho rằng, không nên ép buộc, nếu doanh nghiệp có ý thức thì sẽ tốt hơn. Về xu hướng, các công ty vừa và nhỏ cũng sẽ ngày càng nhìn thấy được những giá trị mà KTNB mang lại cho doanh nghiệp và nhu cầu KTNB ở khu vực này sẽ ngày càng lớn”, ông Richards Chambers nói. 

… Mà phần lớn là do nhận thức

Theo ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam, bên cạnh khung pháp lý còn thiếu, thách thức lớn nhất hiện nay đối với việc vận hành chức năng KTNB tại Việt Nam là nguồn nhân lực làm KTNB còn thiếu và chưa được đào tạo, bồi dường một cách bài bản.

Bởi chưa hiểu rõ “vì sao cần có KTNB, KTNB giúp ích gì cho doanh nghiệp” mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không mấy “mặn mà” với việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động này.

Ông Ivan Phạm, Phó tổng giám đốc Deloiite Việt Nam cho biết, đội ngũ làm KTNB ở Việt Nam cần 3 yếu tố ngoài kiến thức về tài chính, trong đó bao gồm kỹ năng mềm như phỏng vấn, giao tiếp các phòng ban để nắm bắt thông tin và kỹ năng phân tích dữ liệu.

Ngoài ra, trong hoạt động của người làm KTNB tại doanh nghiệp hiện nay, việc đánh giá những rủi ro gian lận là yếu tố hầu như ít được đề cập, nhưng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn.

Ông Richard Chambers cho rằng, các doanh nghiệp phải chấp nhận "cuộc chiến" để giành lấy nhân tài, bởi vì người lãnh đạo KTNB trong tương lai không chỉ có kiến thức trong lĩnh vực tài chính, kế toán, mà rất cần khả năng giao tiếp, trình bày và phản biện, cũng như mức độ thích nghi và áp dụng đổi mới về công nghệ trong lĩnh vực này.

“Tương lai của ngành KTNB tại Việt Nam cũng như thế giới là rất lớn, nhưng để làm tốt được đòi hỏi người làm có mức độ nhận biết rủi ro cao, có những bước đi bài bản. Quan trọng là học hỏi, nhưng phải có sự nghi ngờ nhất định và tư duy phản biện, chứ không đơn thuần giám sát, đánh giá những con số”, lãnh đạo IIA nhấn mạnh.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục