Thời gian vừa qua, đã có hiện tượng DN điều chỉnh số dư đầu kỳ tài khoản lợi nhuận chưa phân phối, dẫn đến thay đổi trọng yếu kết quả kinh doanh của năm trước đó (từ lỗ sang lãi) do năm trước chưa hợp nhất đầy đủ các công ty con. Theo bà, đối với trường hợp này, kiểm toán có trách nhiệm thế nào khi đưa ra ý kiến để NĐT có cái nhìn chính xác hơn về tình hình tài chính của DN?
Thực ra, trách nhiệm của kiểm toán viên khi kiểm toán BCTC hợp nhất hay riêng lẻ không hề khác nhau, tức là đều đưa ra ý kiến về tính "trung thực và hợp lý" của BCTC. Điều đó có nghĩa là, nếu việc không hợp nhất (hay hợp nhất thiếu) một hay nhiều công ty con mà có thể có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC hợp nhất thì kiểm toán viên sẽ có trách nhiệm đưa ra ý kiến về vấn đề đó, bao gồm việc việc chỉ rõ ràng ảnh hưởng (quantitatively and qualitatively) của việc hợp nhất thiếu lên các khoản mục của BCTC hợp nhất. Nếu có các thông tin đó thì NĐT có thể có cái nhìn chính xác hơn.
Cũng có những trường hợp, do hạn chế về phạm vi kiểm toán, kiểm toán viên không thể xác định được mức độ ảnh hưởng, trong trường hợp đó, kiểm toán viên cần mô tả rõ ràng sự hạn chế, thông thường kiểm toán viên sẽ không đưa ra ý kiến nếu sự hạn chế có thể có ảnh hưởng trọng yếu.
Việc không hợp nhất BCTC của một hoặc một số công ty con có thể dẫn đến việc thay đổi lớn kết quả kinh doanh của công ty mẹ sau hợp nhất thì có bị coi là ngoại trừ trọng yếu không? Chuẩn mực kế toán hiện nay của Việt Nam hướng dẫn như thế nào về trường hợp này?
Như đã nói trên, nếu ảnh hưởng lên BCTC hợp nhất là lớn (trọng yếu) thì điểm ngoại trừ là trọng yếu.
Chuẩn mực kế toán thì yêu cầu Ban giám đốc phải lập báo cáo trình bày trung thực và hợp lý tình hình tài chính và hoạt động của DN mình. Chuẩn mực kế toán cũng có hướng dẫn về xử lý sai sót trọng yếu phát hiện sau ngày lập BCTC, bao gồm việc điều chỉnh lại báo cáo đã phát hành.
Chuẩn mực kiểm toán có hướng dẫn cụ thể về loại ý kiến kiểm toán trong trường hợp sai sót là trọng yếu, nếu là do bất đồng ý kiến với Ban giám đốc về cách hạch toán và báo cáo thì ý kiến có thể là ngoại trừ hoặc ý kiến trái ngược, nếu do hạn chế về phạm vi kiểm toán thì ý kiến kiểm toán có thể là ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng lên BCTC.
Chuẩn mực kiểm toán cũng có hướng dẫn về việc, nếu kiểm toán viên năm sau phát hiện ra sai sót trong năm trước, có thể yêu cầu công ty liên hệ với kiểm toán viên năm trước để phát hành lại báo cáo.
Thông lệ thế giới trong việc đưa ra ý kiến kiểm toán về các trường hợp này như thế nào? Nếu việc không hợp nhất BCTC của một/một số công ty con là do yếu tố khách quan (như phải chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng về việc hạch toán một nghiệp vụ quan trọng nào đó phát sinh trong năm tài chính) thì thể hiện như thế nào trên BCTC kiểm toán?
Thực ra hướng dẫn về đưa ra ý kiến kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế và Việt Nam là hoàn toàn giống nhau.
Về thông lệ kế toán, nếu không có quy định cụ thể về hạch toán một số loại nghiệp vụ thì DN nên dựa vào "Chuẩn mực chung" (hay "Framework" trong chuẩn mực quốc tế), trong đó có đưa ra định nghĩa cơ bản về tài sản, công nợ, vốn, doanh thu, chi phí để xác định hạch toán theo bản chất giao dịch (substance over form).
Trong trường hợp ý kiến kiểm toán không nhắc gì đến những tác động (nếu có) từ việc không hợp nhất kết quả kinh doanh của công ty con trong BCTC hợp nhất năm dẫn đến thiệt hại cho NĐT thì theo thông lệ quốc tế, NĐT có được khiếu nại hay không? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu có thiệt hại xảy ra?
Nếu kiểm toán có thể xác định được ảnh hưởng, chuẩn mực kiểm toán yêu cầu kiểm toán viên phải mô tả rõ ràng ảnh hưởng đó trên báo cáo kiểm toán. Trong trường hợp không thể xác định được, thì ý kiến của kiểm toán viên cũng phải nói rõ là do hạn chế nào mà không thể xác định được cụ thể ảnh hưởng đó.
Theo thông lệ quốc tế, nếu kiểm toán viên không thực hiện đúng chuẩn mực kiểm toán mà dẫn đến thiệt hại cho người sử dụng thì về nguyên tắc, có thể bị khiếu nại. Tuy nhiên, xác định ai có thể khiếu nại và ai có thể được đền bù thì cần phải xem xét, vì kiểm toán viên chỉ có trách nhiệm đối với cổ đông sở hữu cổ phiếu của DN tại thời điểm đó và cần chứng minh được mối quan hệ giữa thiệt hại với việc làm chưa theo chuẩn mực của kiểm toán viên.
Tại Việt Nam, hiện tại cơ sở pháp lý chỉ là hợp đồng kiểm toán ký giữa công ty kiểm toán và đơn vị được kiểm toán. Bộ Tài chính hiện nay đang soạn thảo Luật Kiểm toán độc lập và hy vọng vấn đề này sẽ được làm rõ hơn khi Luật Kiểm toán độc lập được ban hành.