Kiểm toán cần thời gian đủ dài để thông tỏ DN

(ĐTCK) Nếu công ty kiểm toán được thực hiện hợp đồng kiểm toán liên tục trong nhiều năm liền, kiểm toán viên sẽ có thời gian đủ dài để thông tỏ được “đường đi lối về” của DN, đưa ra được những kiến nghị thiết thực cho DN.
Ông Bùi Văn Mai Ông Bùi Văn Mai

Đó là chia sẻ của ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) trước thềm ĐHCĐ của nhiều DN.

Trong năm 2012, cơ quan quản lý phát hiện ra nhiều sai sót trên báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán của công ty niêm yết. Để hạn chế những sai sót này, nâng cao chất lượng BCTC, ông có lời khuyên gì cho các DN niêm yết trong mùa chọn công ty kiểm toán 2013 này?

Theo quy định thì trong kỳ đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên, các công ty niêm yết, công ty đại chúng phải thông qua ý kiến cổ đông về việc lựa chọn công ty kiểm toán. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc lựa chọn công ty kiểm toán hàng năm sẽ không đem lại lợi ích tốt nhất cho DN, trừ trường hợp cổ đông của công ty không thoả mãn với những thông tin trên báo cáo tài chính (BCTC) sau kiểm toán của năm tài chính trước đó. Bởi lẽ, nếu chỉ thực hiện kiểm toán một năm cho một khách hàng, công ty kiểm toán sẽ không đầu tư thời gian, công sức để tìm hiểu sâu và đưa ra kiến nghị thiết thực cho khách hàng của mình.

Ngược lại, nếu công ty kiểm toán được thực hiện hợp đồng liên tục trong nhiều năm liền, kiểm toán viên sẽ có thời gian đủ dài để thông tỏ được “đường đi lối về” của DN, giúp công việc kiểm toán năm sau đỡ vất vả và kiểm toán viên có thời gian để kiểm chứng về những kiến nghị với ban giám đốc DN đã đưa ra trong mùa trước, cũng như có trách nhiệm lớn hơn cho năm sau.

Một vấn đề nữa mà tôi muốn nhấn mạnh lại là các DN cần linh hoạt hơn với niên độ kế toán. Hiện hầu hết DN đều chọn niên độ kế toán kết thúc vào ngày 31/12. Điều này khiến cho công việc kiểm toán bị “dồn toa”, các DN kiểm toán thực hiện dịch vụ đồng loạt cho các khách hàng, sẽ không đảm bảo được chất lượng kiểm toán. Nếu niên độ kế toán của các DN được san ra các quý trong năm, thì không chỉ kiểm toán viên có nhiều thời gian cho khách hàng, mà việc tiếp nhận thông tin của các DN niêm yết trên thị trường cũng không bị quá tải như hiện tại. Việc hàng trăm BCTC được công bố cấp tập cùng một thời điểm, cũng khiến nhà đầu tư không có điều kiện xem xét kỹ từng báo cáo.

 

Cộng đồng DN đang phải trải qua giai đoạn khó khăn khi sức cầu giảm sút, hàng tồn kho tăng mạnh. Để tồn tại, vượt qua khó khăn, nhiều DN đã phải tiết giảm chi phí. Giá phí kiểm toán liệu có phải là một tiêu chí để DN lựa chọn kiểm toán trong thời điểm này không, thưa ông?

Với những DN có quy mô lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài, dưới sức ép của cổ đông, họ vẫn có xu hướng lựa chọn các công ty kiểm toán thuộc nhóm Big4 hoặc các công ty kiểm toán nội địa có uy tín và thương hiệu. Họ không quá quan tâm đến chi phí kiểm toán. Ngoài đặt niềm tin vào khả năng xác nhận tính trung thực và hợp lý của BCTC, DN còn kỳ vọng vào những kiến nghị của công ty kiểm toán với các vấn đề tài chính và quản trị nội bộ của DN. Đó là những giá trị gia tăng mà dịch vụ kiểm toán mang lại.

Tuy nhiên, có một thực tế là, hiện ở nhiều DN có quy mô vừa và nhỏ, việc lựa chọn công ty kiểm toán không căn cứ trên chất lượng, mà căn cứ trên giá phí. Họ đưa ra đấu thầu lựa chọn công ty kiểm toán để chọn ra công ty có mức giá thấp, hoặc lấy mức giá thấp nhất của công ty nào đó để thỏa thuận với công ty khác, tạo ra cuộc chạy đua về xử lý quan hệ giữa các công ty kiểm toán với người có quyền thỏa thuận. Mà “tiền nào thì của nấy”, phí thấp, công ty kiểm toán làm sao có thể đầu tư nhiều thời gian, chất xám để cuộc kiểm toán có chất lượng cao được.

Một số công ty kiểm toán hiện không quá mặn mà với việc thực hiện kiểm toán DN niêm yết. Họ muốn được chấp thuận kiểm toán DN niêm yết, nhưng cũng lại sợ thực hiện kiểm toán loại DN này. Vì lọt vào danh sách được kiểm toán DN niêm yết đồng nghĩa với việc họ đã đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe và khẳng định được uy tín trên thị trường kiểm toán, nhưng phí dịch vụ thường vẫn thấp và DN phải đứng trước rất nhiều áp lực, rủi ro nghề nghiệp, trước cả trăm ngàn con mắt soi vào.

 

Đó có phải là lý do danh sách công ty kiểm toán được chấp thuận năm 2013 ngắn hơn so với năm ngoái?

Cũng không hẳn như vậy. Việc danh sách kiểm toán được chấp thuận năm nay ngắn hơn so với năm ngoái một phần do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn tiếp tục xem xét một số hồ sơ của công ty xin đăng ký kiểm toán chấp thuận.

Bên cạnh đó, cũng có công ty kiểm toán được chấp thuận năm trước đã bị loại ra khỏi danh sách hoặc chưa đủ điều kiện của năm nay. Đây là công ty đã bị VACPA khiển trách, do trong quá trình kiểm tra chất lượng dịch vụ năm 2012 đã phát hiện một số sai phạm về nghiệp vụ.

 

Liệu có khả năng các công ty niêm yết có kết quả kinh doanh không tốt, cố tình làm đẹp BCTC để che giấu những con số thua lỗ của mình và chọn những công ty kiểm toán nhỏ, có mức phí thấp để dễ dàng qua mặt kiểm toán viên?

“Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, điều này vẫn thường xảy ra với việc lập BCTC của các DN, nhất là các công ty niêm yết, phải công khai BCTC ra công chúng. Để qua mặt kiểm toán viên, họ thường chọn công ty kiểm toán có ít khách hàng hoặc có mức phí thấp, đặc biệt là gây sức ép về thời gian khiến kiểm toán viên không thể có thời gian hoặc đủ chi phí để phát hiện hết các gian lận. Trường hợp này thường xảy ra với các công ty lập BCTC hợp nhất, công ty có các công ty con hoặc chi nhánh ở xa nhau.

 

Vậy nếu báo cáo kiểm toán có sai phạm bị phát giác, thì trách nhiệm của ban giám đốc đối với cổ đông của DN ra sao?

Chất lượng báo cáo kiểm toán phụ thuộc vào chất lượng BCTC và chất lượng kiểm toán viên. Trách nhiệm của ban giám đốc DN là phải lập và trình bày BCTC trung thực và hợp lý. Việc làm sai lệch dù xuất phát từ lý do khách quan hay chủ quan, thì khi bị phát hiện, những người có trách nhiệm lập BCTC sẽ bị xử lý theo quy định của công ty (cắt giảm lương, thưởng, đền bù, truất quyền lãnh đạo…) hoặc nghiêm trọng hơn thì bị xử lý theo quy định tại Luật Xử phạt vi phạm hành chính hoặc Luật Hình sự.

Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành (như Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Thông tư hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán) đã có những chế tài xử phạt với vi phạm cố tình làm sai lệch thông tin tài chính. Mới đây, Bộ Tài chính cũng đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Dự thảo đã có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi cố tình che giấu thông tin tài chính với kiểm toán viên, làm sai lệch các thông tin tài chính của ban lãnh đạo doanh nghiệp hoặc thông đồng với kiểm toán viên làm sai lệch báo cáo kiểm toán.

 

Khuyến nghị DN ký hợp đồng kiểm toán nhiều năm

 

Theo ông Bùi Văn Mai, trong dự thảo hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam sắp ban hành, do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) soạn thảo theo sự ủy quyền của Bộ Tài chính, Hội đã đưa vào quy định DN kiểm toán và đơn vị được kiểm toán được phép ký hợp đồng kiểm toán trong nhiều năm liên tiếp, thay vì lựa chọn kiểm toán và công ty kiểm toán theo từng năm. Tuy nhiên, để đảm bảo tính độc lập, khách quan của báo cáo kiểm toán, DN kiểm toán phải luân chuyển kiểm toán viên là thành viên Ban giám đốc và kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán sau 3 năm liên tục.

Hằng Phương thực hiện
Hằng Phương thực hiện

Tin cùng chuyên mục