Kiểm toán cần chú ý ba trụ cột của chính sách vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ tịch Quốc hội, ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất, do đó trong định hướng công tác kiểm toán phải phục vụ cho nhiệm vụ này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc tại Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh - TTXVN) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc tại Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh - TTXVN)

"Trong kiểm toán cần chú ý ba chính sách vĩ mô hết sức quan trọng là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách thương mại, đây là ba trụ cột trong các chính sách vĩ mô", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý khi làm việc với Kiểm toán Nhà nước, chiều 12/8.

Báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, trong năm 2021 có 190 cuộc kiểm toán, dự kiến tổ chức thành 213 đoàn kiểm toán, đã kết thúc 91 đoàn kiểm toán.

8 tháng từ đầu năm, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 50.878 tỷ đồng (tăng thu ngân sách Nhà nước 6.659 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 5.798 tỷ đồng và kiến nghị khác 38.421 tỷ đồng); kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 67 văn bản pháp luật, kịp thời khắc phục lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan.

Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 151 báo cáo kiểm toán và tài liệu liên quan cho các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tòa án, các cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, qua 28 năm hình thành và phát triển, Kiểm toán Nhà nước đã xác lập được vị trí, vai trò ngày càng lớn, được xác lập trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán nhà nước đã thực hiện được vai trò là công cụ để đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng; làm lành mạnh tài chính công cũng như sử dụng tài sản công, tài chính công ngày càng hiệu quả. Chất lượng hoạt động kiểm toán ngày càng được nâng lên, là cơ sở rất quan trọng phục vụ Quốc hội và các cơ quan nhà nước.

"Tinh thần kiểm toán là xây dựng để phát triển, đấu tranh chống tiêu cực, đồng thời biểu dương, nhân rộng những cái tốt”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước xây dựng Đề án hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời sớm xây dựng kế hoạch để triển khai chiến lược Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, không ngừng tăng cường sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa trong hoạt động, khắc phục tình trạng phát hành báo cáo kiểm toán còn chậm.

“Chiến lược phải đặt trong bối cảnh tổng thể là thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết có liên quan, nhất là Nghị quyết số 161/2020/QH14 và các nghị quyết 5 năm vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ nhất”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Với năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần bám sát các nhiệm vụ thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Quốc hội, giúp Chính phủ trong công tác quản lý và điều hành, nhất là tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay để sau đại dịch phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; bám sát các chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trọng tâm của năm 2022 là bám vào giám sát tối cao về tiết kiệm chống lãng phí. Trong kiểm toán cần chú ý ba chính sách vĩ mô hết sức quan trọng là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách thương mại. Đây là ba trụ cột trong các chính sách vĩ mô, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất, do đó trong định hướng công tác kiểm toán phải phục vụ cho nhiệm vụ này, để hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc về thể chế, chính sách.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục