Kiểm soát nội bộ: Tăng cường để giảm thiểu sai sót

(ĐTCK) Vụ án tại Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đang được đưa ra xét xử là một ví dụ cho thấy công tác kiểm soát nội bộ trong nhiều doanh nghiệp nhà nước đang rất yếu và thời gian tới cần gia tăng tính hiệu quả của “bộ lọc” này.
Kiểm soát nội bộ: Tăng cường để giảm thiểu sai sót

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, đây là vụ việc điển hình về sai phạm trong thẩm định dự án đầu tư.

Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ giai đoạn đầu thẩm định, đã có một số cảnh báo rủi ro về tính khả thi, sự thiếu căn cứ về mức giá Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần của AVG, nhưng Tổ thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông đều phớt lờ. Bộ máy kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp bị vô hiệu.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa giai đoạn 2011-2016 của Đoàn giám sát của Quốc hội (2018) cũng nêu rõ: "Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong các nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”.  

Cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên tại doanh nghiệp nhà nước hiện rất  hạn chế.   

Theo ông Nguyễn Văn Khách, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của hội đồng quản trị (HĐQT), hội đồng thành viên tại doanh nghiệp nhà nước hiện rất  hạn chế.

Tại một số doanh nghiệp, người đại diện vốn nhà nước vừa kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, vừa là tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, điều này dẫn đến tập trung quyền lực, rủi ro lạm dụng quyền lực để thu lợi cho bản thân hoặc người có liên quan.

Bên cạnh đó, Ban Kiểm soát doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được vai trò, phần lớn thành viên không phải là thành viên độc lập, bị chi phối bởi các thành viên HĐQT, thiếu chuyên môn và kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Thực tế này cho thấy, cần phải gia tăng tuyến phòng thủ và sử dụng công cụ kiểm soát hữu hiệu hơn.

Tại hội thảo “Thực trạng kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp nhà nước” do Thanh tra Chính phủ tổ chức mới đây, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, nhằm đảm bảo mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn theo quy định về chức năng, nhiệm vụ tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC, mô hình kiểm soát nội bộ của Tổng công ty đã được xây dựng và trải qua các giai đoạn khác nhau.

Trong đó, thời điểm từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến tháng 7/2010 là giai đoạn SCIC hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003, công tác kiểm soát nội bộ thuộc về Ban Kiểm soát do HĐQT Tổng công ty thành lập để giúp giám sát việc quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, việc chấp hành Điều lệ, Nghị quyết, quyết định của HĐQT và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của HĐQT.

Sau khi chuyển đổi mô hình sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước theo Quyết định số 992/QĐ-TTg ngày 10/6/2010, mô hình Ban Kiểm soát được thay bằng kiểm soát viên do chủ sở hữu bổ nhiệm (trước là Bộ Tài chính, sau này là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

Nhiệm vụ của kiểm soát viên là kiểm soát toàn bộ hoạt động của HĐQT, Ban Giám đốc trong việc thực hiện nhiệm vụ của chủ sở hữu giao.

Do đó, để đảm bảo công tác kiểm soát nội bộ tại SCIC được chặt chẽ hơn, ngày 30/6/2010, HĐQT SCIC đã có Quyết định số 36/QĐ-ĐTKDV.HĐQT thành lập Ban Quản lý rủi ro với chức năng nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo SCIC trong công tác quản lý rủi ro;

Kiểm tra nội bộ với phạm vi quản lý rủi ro về chính sách, chiến lược, quy trình, quy chế, nghiệp vụ, hệ thống quản lý nội bộ; kiểm tra các mặt hoạt động doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC và kiến nghị các giải pháp khắc phục tồn tại, thiếu sót qua công tác kiểm tra.

Công tác kiểm tra, kiểm soát của Ban Quản lý rủi ro SCIC được thực hiện trước, trong và sau trên tất cả các hoạt động như đầu tư, cổ phần hóa, thoái vốn, quản trị doanh nghiệp..., trong đó bao gồm các hoạt động kiểm tra trước nhằm đánh giá các rủi ro tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến kết quả, hình ảnh của Tổng công ty trong hoạt động kinh doanh; kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định nội bộ của SCIC trong quá trình đầu tư, mua sắm, thoái vốn, quản trị doanh nghiệp thông qua việc tham gia ý kiến với vai trò độc lập.

Trung Thành

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục