Năm 2009, bội chi ngân sách của Việt Nam có thể tới 8%, giám sát chi tiêu công hiệu quả đang là chủ đề Quốc hội và nhiều người dân quan tâm, tại Anh, chi tiêu công được quản lý ra sao để được sử dụng tối ưu?
Quốc hội Anh được hỗ trợ bởi Cơ quan Kiểm toán Nhà nước (NAO), đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cương vị và bổn phận của nhà quản lý đối với quỹ chi tiêu công, đặc biệt là đạt được sự tín nhiệm và tin tưởng của cử tri. NAO đã dành 88,5 triệu bảng cho việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm và kiểm toán trong 2 năm 2007 và 2008. Giai đoạn 2007 - 2008, NAO đã cung cấp đánh giá kiểm toán độc lập cho hơn 460 báo cáo tài chính, bao gồm chi tiêu công và thu nhập lên tới 900 tỷ bảng. NAO cũng tạo ra 60 nghiên cứu có giá trị về kinh tế (cắt giảm chi phí), tính hiệu suất (tạo ra nhiều sản lượng hơn từ đầu vào sản xuất) và tính hiệu quả (đem lại kết quả khả quan) của chi tiêu công.
Vào mỗi năm tài chính, Quốc hội Anh phê duyệt khoảng 600 tỷ bảng về chi tiêu công. Cách thức mà khoản tiền này được sử dụng quyết định tới sự thành công chính sách của Chính phủ cho khu vực công. Bối cảnh của khu vực công đầy biến đổi và sự sụt giảm kinh tế có nghĩa là cần phải tăng cường sự tập trung vào việc đảm bảo quản lý tài chính tốt hơn cũng như hiệu quả giữa các dịch vụ công.
Theo như bà đề cập thì vai trò quan trọng thuộc về Kiểm toán Nhà nước, vậy ở thời điểm hiện nay, trọng trách của cơ quan này có gì thay đổi?
Cũng giống như Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, NAO cũng có thẩm quyền yêu cầu tất cả biên bản ghi chép của các phòng, ban thuộc Văn phòng Chính phủ nhằm hoàn thành nhiệm vụ. Trong tương lai, NAO sẽ chịu trách nhiệm đối với việc kiểm toán tài khoản của tất cả thành viên Chính phủ. Những tài khoản này sẽ là sự củng cố báo cáo tài chính của tất cả khu vực công tại Anh. Kể từ năm 2008 - 2009, NAO có thể kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty nhà nước. Gần đây, NAO đã đảm nhận xem xét quá trình quốc hữu hoá các ngân hàng quan trọng, có thể kể đến là Ngân hàng Northern Rock.
Một phần quan trọng của Kiểm toán Nhà nước là giúp bảo đảm rằng, chi tiêu công phù hợp với luật và hướng dẫn liên quan. Họ có trách nhiệm chuyên biệt về báo cáo nếu như các báo cáo tài chính không ăn khớp, nơi nào có sự sai lệch quan trọng hoặc sự bất thường trong tài khoản nguồn lực thì Kiểm toán Nhà nước sẽ chuẩn bị một báo cáo tới Quốc hội. Một khía cạnh quan trọng khác của Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán giá trị đồng tiền nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả các quỹ công.
Vào năm 2007 - 2008, NAO đã kiểm tra và báo cáo về tính tiết kiệm, kinh tế và hiệu quả của việc chi tiêu công cho 60 cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác. Các báo cáo bao trùm diện rộng những vấn đề nóng hổi và tất cả khía cạnh của Chính phủ. Báo cáo năm 2008 cho thấy, NAO đã kiểm tra tính hiệu quả của 656 tỷ bảng chi tiêu công, con số thể hiện hiệu quả đem lại của mỗi 1 bảng chi cho hoạt động của NAO là hơn 9 bảng. NAO còn tìm ra 40% số tiền tiết kiệm từ hoạt động của Văn phòng Chính phủ và bộ phận liên quan trong năm 2008. Con số tiết kiệm có được nhờ các kiến nghị được đưa ra từ hơn 60 báo cáo về hiệu quả hoạt động.
Việt Nam đang thực hiện chính sách kích cầu với quy mô lớn (so với nguồn lực của Việt Nam). Từ kinh nghiệm tại Anh, ACCA có khuyến nghị gì với Việt Nam?
Tăng cường đầu tư công kích thích kinh tế phải gắn liền với hệ thống giám sát tài chính và cảnh báo nguy cơ. Để phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước, Việt Nam cần hoàn thiện công tác kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính, đồng thời tích cực và chuyển dần trọng tâm sang kiểm toán hoạt động và tăng cường kiểm toán theo chuyên đề khi nền kinh tế phát triển theo chiều sâu và quản lý chi tiêu công chuyển sang quản trị theo kết quả đầu ra, lập ngân sách theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn. Cơ quan kiểm toán là công cụ kiểm tra, thúc đẩy cải cách tài chính công và chi tiêu công. Đồng thời, việc cải cách tài chính công và chi tiêu công không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm toán, mà còn đòi hỏi từng bước phải đổi mới công tác kiểm toán cho phù hợp với cải cách tài chính công.
Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế như hiện nay, việc nâng cao hiệu lực của chi tiêu công là một vấn đề cấp thiết đối với hầu hết quốc gia, đặc biệt là các quốc gia sử dụng nguồn vốn nhà nước lớn như Việt Nam. Đơn cử như NAO, ngày càng nhận thêm trách nhiệm trong việc đảm bảo tính hiệu quả của chi tiêu công. Ví dụ, từ năm 2004, NAO đã đóng vai trò tích cực trong việc giám sát và xác nhận tiết kiệm hiệu quả của khối hành chính công. Việc thành lập được thực hiện sau một tuyên bố của Chính phủ rằng, cần phải tăng hiệu quả của chi tiêu công 21,5 tỷ bảng vào giai đoạn 2007 - 2008. Giai đoạn 2007 - 2008, mục tiêu tiết kiệm ngân sách cần đạt được vào giai đoạn 2010 - 2011 đã được nâng lên 30 tỷ bảng, tăng thêm 5 tỷ bảng theo sau phát biểu của Thủ tướng Anh về ngân sách vào tháng 4/2009. Con số này đưa tổng mục tiêu tiết kiệm lên 35 tỷ bảng.