Đình trệ đã xuất hiện!
Có thể nhận thấy các dấu hiệu về đình trệ kinh tế đã xuất hiện và ngày càng trở nên rõ nét. Thậm chí, nhiều chuyên gia tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa qua còn cho rằng, các dấu hiệu này đang xấu đi một cách nhanh chóng. Cụ thể, tăng trưởng GDP cả năm 2008 thấp hơn 2% so với năm 2007, một mức giảm lớn trong 1 năm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu áp lực tạo ra công ăn việc làm cho 1,7 triệu lao động mới mỗi năm. Đó là chưa kể xu hướng chuyển dịch lao động từ nông thôn sang đô thị, từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ đang ngày càng trở thành một xu thế phổ biến, không thể đảo ngược. Do vậy, nếu tốc độ tăng trưởng thấp thì yêu cầu về tạo việc làm không thực hiện được, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng đến an sinh và các vấn đề xã hội khác.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu quan trọng khác cũng đang có vấn đề: lĩnh vực xuất khẩu (chiếm đến 70% GDP) trong 5 tháng qua liên tục giảm; giá trị sản xuất công nghiệp trong quý IV/2008 giảm, ngược với quy luật của những năm trước; tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá cũng giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2007.
Mặt khác, khu vực dân doanh - một trong những động cơ tăng trưởng chính của nền kinh tế lại đang có sự suy giảm mạnh trong đầu tư. Theo Cục Thống kê TP. HCM, tính đến tháng 11/2008, đầu tư của khu vực này giảm 12.000 tỷ đồng (-10%) so với 11 tháng đầu năm 2007. Đây là mức sụt giảm lớn và với vai trò trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì sự sụt giảm này khá đáng ngại.
Rõ ràng, những chỉ số trên cho thấy, dấu hiệu đình trệ kinh tế ngày càng trở nên rõ nét. Do vậy, việc Chính phủ ban hành các gói kích thích là cần thiết và cần phải làm sớm.
Yêu cầu đồng bộ, hiệu quả và kịp thời của chính sách
Từ góc độ vĩ mô, mặc dù các nhóm giải pháp do Chính phủ đưa ra để ngăn chặn suy giảm kinh tế là cần thiết, song để chúng đạt được mục tiêu mong muốn thì còn cần ít nhất hai điều kiện nữa.
Thứ nhất là các giải pháp này phải được thực hiện một cách đồng bộ với nhau và với các chính sách bổ trợ khác. Các giải pháp của Chính phủ phải được đặt trong một tổng thể chính sách vĩ mô nhất quán, trong đó rất cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chúng ta biết rằng, để kích cầu (cả cầu tiêu dùng và cầu đầu tư) thì có thể sử dụng cả chính sách tài khóa (tăng chi tiêu của nhà nước; giảm, giãn hay miễn thuế…) và chính sách tiền tệ (giảm lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc...). Khi phối hợp cả hai chính sách tài khóa và tiền tệ thì một mặt tránh được tình trạng không đồng bộ trong chính sách vĩ mô như hồi đầu năm, mặt khác giảm sức ép đối với mỗi chính sách. Cũng cần nhấn mạnh là nếu các chính sách không có tính phối hợp thì không những không có tác dụng, mà thậm chí có thể có tác dụng ngược. Ví dụ như để chính sách kích cầu có hiệu lực thì cũng cần một chính sách tỷ giá hợp lý, nếu không, với đồng Việt Nam mạnh lên so với USD và nhiều ngoại tệ mạnh khác thì không khéo chúng ta lại kích thích nhập khẩu và qua đó hỗ trợ cho doanh nghiệp nước ngoài, chứ không giúp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong nước. Một thực tế là hiện nay rất nhiều hàng tiêu dùng từ rau quả đến điện tử đang được nhập khẩu do trong nước không cung ứng đủ hoặc không sản xuất được.
Vấn đề thứ hai là phải đảm bảo tính hiệu quả và kịp thời của việc triển khai các giải pháp. Chẳng hạn như Chính phủ đề xuất kích cầu đầu tư bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản của ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và ODA, được thực hiện thông qua các cơ quan và DNNN. Kinh nghiệm cho thấy, việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản do khu vực nhà nước thực hiện thường có tỷ lệ thất thoát cao và bị chậm tiến độ (đấy là chưa kể tới độ trễ của chính sách).
Để hiệu quả thì các khoản đầu tư của Nhà nước phải nhắm vào đúng những ưu tiên cao nhất, được thực hiện bởi những đơn vị có hiệu quả nhất, chứ không thể được xem như một cái bánh để mỗi người được chia một ít. Chẳng hạn như trong thời gian qua, chúng ta thấy có nhiều khoản đầu tư lớn của Nhà nước được thực hiện một cách dàn trải và kém hiệu quả. Như vậy, nếu không có giải pháp quản lý và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, minh bạch và có kiểm soát thì sẽ không những không tạo ra giá trị gia tăng, mà ngược lại còn tạo ra gánh nặng nợ nần và tạo sức ép lạm phát. Đó là chưa kể trường hợp các DNNN đang thua lỗ lợi dụng cơ hội này để được cứu trợ, và như vậy, một mặt làm tăng tính ỷ lại của các doanh nghiệp này, mặt khác làm chậm kế hoạch cải cách các DNNN.
Kích cầu như thế nào?
Để kích cầu thì ngoài cách tăng chi tiêu của người dân, Chính phủ và đầu tư của DNNN, có thể còn thông qua việc tăng đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Cần nhấn mạnh là đầu tư khu vực dân doanh chiếm tới hơn 1/3 tổng đầu tư xã hội, đồng thời đây chính là khu vực chủ lực trong việc trực tiếp tạo công ăn việc làm và kim ngạch xuất khẩu. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khuyến khích đầu tư của khu vực này? Yếu tố tiên quyết là cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Các báo cáo trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam mới đây một lần nữa khẳng định, thủ tục hành chính, đất đai, thuế má phiền hà và nhũng nhiễu là những nguyên nhân chính ngăn cản tinh thần doanh nhân của doanh nghiệp, và nếu những trở ngại này không được giải quyết rốt ráo thì sẽ rất khó kích thích đầu tư của khu vực dân doanh.
Ngoài ra, có thể kích thích đầu tư của khu vực nước ngoài (FDI). Trong những năm gần đây, khu vực này đóng góp khoảng 16% tổng đầu tư xã hội, gần 20% cho GDP và hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù trong năm 2007 và 2008, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam rất đáng biểu dương, nhưng với tình hình suy giảm của kinh tế thế giới thì khả năng duy trì lượng vốn đầu tư hiện nay là rất khó. Để có thể tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài và tăng tỷ lệ giải ngân thì Chính phủ phải quyết tâm tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh, khắc phục thủ tục hành chính nặng nề, kém minh bạch và tham nhũng.
Cố gắng duy trì xuất khẩu cũng là một biện pháp quan trọng để kích cầu. Chắc chắn là xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính thế giới, đặc biệt là tình trạng suy thoái kinh tế của ba thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản và EU (chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh trong một số ngành xuất khẩu truyền thống của Việt Nam vẫn được duy trì. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn trên 20%, trong khi con số này của Trung Quốc và Thái Lan đều dưới 7%. Như đã nói ở trên, đẩy mạnh xuất khẩu (và giảm nhập siêu) không chỉ phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc vào chính sách tỷ giá của Chính phủ.
Một số góp ý chính sách
Thứ nhất, các chính sách kích cầu của Chính phủ phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các khu vực, khẳng định mới đây của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương châm này là một dấu hiệu đáng hoan nghênh. Thực tế, số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực DNNN kém hiệu quả hơn nhiều so với khu vực dân doanh, nhưng lại được hưởng nhiều ưu đãi về vốn, đất đai và cơ chế. Ngược lại, khu vực dân doanh tạo ra nhiều công ăn việc làm, xuất khẩu và qua đó trực tiếp đảm bảo an sinh cho người lao động lại chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Do vậy, tìm cách duy trì sức sống cho khu vực này là chính sách cấp bách hiện nay.
Thứ hai, đầu tư của Nhà nước, cụ thể là đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ hàng hóa công, về mặt chủ trương và thời điểm là chính xác, nhưng lựa chọn dự án nào và cách thức kiểm soát ra sao là những điều cần lưu ý. Phương pháp đầu tư cơ sở hạ tầng hiện nay là đầu tư vào công trình đang dang dở, nhưng cần phải xem là dang dở vì sao? Nếu chỉ vì thiếu vốn thì cần dồn vốn, nhất là trong bối cảnh chi phí xây dựng đang giảm. Còn nếu dự án không triển khai được vì kém hiệu quả thì cần dứt khoát loại bỏ ngay. Cần đề phòng tình huống một số dự án kém hiệu quả nhưng ỷ vào tình thế cấp bách nên không phải trải qua một trình tự thẩm định và những thủ tục giám sát cần thiết.
Thứ ba, đây là lúc Nhà nước cần đầu tư mạnh vào giáo dục, y tế và các chính sách an sinh - là những dịch vụ liên quan trực tiếp đến dân sinh và giúp duy trì năng lực cạnh tranh về dài hạn cho nền kinh tế. Chi phí y tế của các hộ nghèo khi có người ốm hay tai nạn là nguyên nhân hàng đầu của nghèo đói ở nông thôn. Đầu tư thêm về cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, tăng lương cho giáo viên, hỗ trợ học phí… vừa là biện pháp kích cầu, vừa giúp giảm bớt gánh nặng chi tiêu của gia đình có con em đi học, đặc biệt là các hộ nghèo. Tương tự như vậy, việc dùng tiền ngân sách mua lúa tồn kho cũng nhất cử lưỡng tiện - vừa là biện pháp kích cầu, vừa trực tiếp giúp giảm bớt khó khăn cho nông dân.
Thứ tư, liên quan đến một số khoản thuế của Nhà nước. Việc hoãn áp dụng thuế thu nhập cá nhân có lẽ chỉ có tác động về mặt tâm lý, còn trên thực tế sẽ không có tác dụng đáng kể. Nguyên nhân là, một mặt thuế thu nhập cá nhân chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng nguồn thu ngân sách; mặt khác, với cơ cấu thuế thu nhập cá nhân hiện tại thì việc thực hiện sẽ giảm bớt gánh nặng thuế đối với những người có thu nhập trung bình và trung bình cao - mà đây lại chính là đối tượng cần tập trung kích cầu. Một khoản thuế thứ hai mà Chính phủ có thể cân nhắc là thuế xăng dầu. Nếu Chính phủ không thu thuế xăng dầu như hiện nay, mà thay vào đó giảm thêm giá xăng dầu thì điều này sẽ giúp doanh nghiệp và người dân giảm chi phí, tăng ngân sách khả dụng và vì vậy, đây là một biện pháp kích cầu trực tiếp, chứ không khiến đồng tiền phải đi lòng vòng, vừa mất thời gian, vừa dễ rơi rụng.