Kiểm soát cảm xúc để kiểm soát tiền bạc

(ĐTCK)  Đó là một trong những bài học lớn mà tôi nhận được từ những nhà đầu tư đại tài cũng như chiêm nghiệm từ chính quá trình đầu tư của mình.
Thị trường chứng khoán, như định nghĩa của Warren Buffett, “là công cụ chuyển tiền từ người thiếu kiên nhẫn sang người kiên nhẫn”

1. Tôi lớn lên ở TP. New York (Mỹ), trung tâm tài chính hiện đại của thế giới. Năm 18 tuổi, khi mới là sinh viên cao đẳng năm nhất, tôi nhận được việc làm thêm trong mùa hè tại văn phòng của một đại lý môi giới chứng khoán. Hơn một năm sau đó, tôi được mời làm việc toàn thời gian. Tôi đã kiếm được 16.500 USD trong năm thứ hai đại học, trong khi ngày ấy, sinh viên tốt nghiệp Đại học New York (New York University) - đại học danh giá hàng đầu nước Mỹ - nhận lương khoảng 18.000 USD/năm. Khỏi phải nói, điều đó làm tôi sung sướng, hạnh phúc biết bao nhiêu.

Thời đi học, tôi rất giỏi với những con số. Thậm chí, thời trung học, tôi còn giành được huy chương bạc môn Toán trong một kỳ thi do tiểu bang New York tổ chức - thành tích mà lần đầu tiên ngôi trường công lập của tôi đạt được. Lớn lên trong nghèo khó ở một đất nước xa lạ, tôi hiểu rằng chỉ có học thật giỏi mới có cơ hội thoát nghèo, thành công.

Tôi cũng bắt đầu kiếm tiền từ khi còn rất bé và sớm đặt cho mình cột mốc có trong tay 1 triệu USD. Từ năm 10 - 11 tuổi, tôi đã ghi chép vào cuốn sổ tay số đô-la tôi kiếm được mỗi ngày. Tôi nhớ, có ngày, tôi kiếm được 3 - 4 USD, cũng có ngày tôi kiếm được 20 - 30 USD. Tôi chia sẻ những điều này để bạn đọc hiểu hơn về những cơ duyên đưa tôi đến với thị trường chứng khoán.

Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+

Năm 19 tuổi, tôi dồn hết số tiền có được vào chứng khoán. Thú thực, trong hơn 40 năm bước chân vào thị trường này, nhiều lần tôi gần như đã xóa sạch tài khoản của mình. Trong mươi năm đầu, việc giao dịch chứng khoán của tôi mang tính “đánh bạc” nhiều hơn. Nói cách khác, những quyết định mua bán của tôi giai đoạn ấy chủ yếu trên cơ sở “đoán mò”, bị yếu tố cảm xúc chi phối lớn. Thất bại đã cho tôi nhiều bài học.

Những nhà đầu tư vĩ đại trên thị trường chứng khoán cũng học được nhiều bài học từ quá trình đầu tư của mình, trong đó có cả những bài học đau đớn. Đó là chu kỳ mà mỗi người bắt buộc phải trải qua, mà nhiều người vẫn hay nhắc tới như khoảng thời gian 10.000 giờ. Một khi dành đủ thời gian, sức lực và cả những mất mát, đớn đau thực sự…, họ có thể trở thành một nhà đầu tư giỏi hơn. Cũng giống như việc bạn có thể đọc cả trăm cuốn sách dạy nấu ăn, nhưng bạn vẫn không biết nấu nếu bạn không bắt tay vào nấu ăn hết lần này đến lần khác. Đó là điều tôi luôn tin tưởng.

2. Năm 2011, một sự tình cờ đã đưa tôi trở thành giảng viên Trường Kinh tế và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Giáo sư, Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Sơn mời tôi về Trường giảng dạy sau một lần tình cờ gặp gỡ. Dù có chút do dự, nhưng tôi vẫn nhận lời. Lớp học đầu tiên của tôi là lớp “chất lượng cao” năm thứ ba, tôi dạy môn tài chính doanh nghiệp. Đó là buổi lên lớp đáng nhớ nhất của tôi cho đến hôm nay. Hai sáu sinh viên trong lớp đó đã làm cho cuộc sống của tôi tốt đẹp hơn. Tôi nhớ mình đã đưa ra rất nhiều bài tập, câu đố cho sinh viên và dù tôi rất khắt khe với họ, nhưng không khí lớp học thật sôi nổi.

Việc giảng dạy đại học đến với tôi một cách tự nhiên và tôi có 8 - 9 năm gắn bó với công việc này. Điều này phù hợp với thói quen nghiên cứu và đọc sách của tôi. Tôi đọc mọi thứ. Tôi dành hàng giờ mỗi ngày để đọc và nghiên cứu những chủ đề được quan tâm. Việc đọc nhiều rất hữu ích cho công việc đầu tư của tôi. Đầu tư cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu những điều mới: ngành công nghiệp mới, quy định mới, các hiệp định thương mại mới, sản phẩm mới, xu hướng mới…

Tôi có may mắn được học hỏi từ những người giỏi nhất thế giới, qua cả sách vở và ngoài đời. Đó là các nhà đầu tư giá trị Mark Boyar, Marty Whitman, Mark Mobius và Warren Buffett. Hay những nhà đầu tư quỹ phòng hộ như Julian Robertson, DE Shaw, George Soros, Michael Steinhart, Harvey Becker, Malcolm Weiner, David Tipper… Có những cái tên bây giờ đã nổi tiếng. Một phần công việc của tôi là nói chuyện với những nhà quản lý này hàng tuần vì quỹ của chúng tôi là nhà đầu tư vào các quỹ tương ứng của họ. Còn ở Việt Nam, tôi từng có cơ hội làm việc trực tiếp với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn, những doanh nhân giỏi. Mỗi người có những phong cách kinh doanh khác nhau, nhưng tôi đã tích lũy được rất nhiều bài học kinh nghiệm từ họ.

Những gì học được từ những nhà đầu tư giỏi và cả thực tế đầu tư của cá nhân, tôi rất muốn chia sẻ với cộng đồng, với sinh viên của tôi. Tôi cũng tham gia cộng tác viết bài cho Báo Đầu tư Chứng khoán từ năm 2008 và một số tạp chí khác, với mong muốn chia sẻ góc nhìn của mình về xu hướng, về cơ hội trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chia sẻ với kỳ vọng rằng một số nhà đầu tư cá nhân, nhất là nhà đầu tư mới tham gia thị trường sẽ học hỏi được nhiều điều từ sai lầm của tôi và trở thành nhà đầu tư giỏi hơn.

Niềm đam mê chia sẻ của tôi chỉ là con đường học tập cho bản thân tôi. Dạy và học là hai mặt của một đồng tiền, không thể tách rời.

Một trong những “nhà cố vấn không chính thức” của tôi, Warren Buffett và Charlie Munger đã chia sẻ nhiều bài học về đầu tư. Bài học từ Buffett mà tôi ghi nhớ là: “Bạn không thể dạy được niềm đam mê”. Còn với Munger vĩ đại thì “đảo ngược, luôn đảo ngược”. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng lại rất sâu sắc. Đó là một bài học mà tất cả các nhà đầu tư lớn hay nhỏ đều nên cân nhắc khi xem xét một khoản đầu tư. Nhìn từ nhiều phía, đặt những câu hỏi hay và đảo ngược câu hỏi của bạn. Chỉ bằng cách đặt những câu hỏi đúng, chúng ta mới tìm được câu trả lời thích hợp. Quan trọng hơn, ngay cả Charlie Munger vĩ đại và Warren Buffett cũng mắc sai lầm.

Tôi cũng xin để lại vài lời tuyệt vời từ nhà đầu tư giá trị vĩ đại nhất từ trước tới nay, Warren Buffett, rằng “Thị trường chứng khoán là công cụ chuyển tiền từ người thiếu kiên nhẫn sang người kiên nhẫn”. Điều quan trọng nhất khi kiếm tiền là thời gian. Bạn không cần phải đặc biệt thông minh, bạn chỉ cần kiên nhẫn.

Cuối cùng, nếu bạn không thể kiểm soát được cảm xúc của mình thì bạn không thể kiểm soát được tiền bạc của mình. Phẩm chất quan trọng nhất của một nhà đầu tư là khí chất, chứ không phải trí tuệ!

Quan Đức Hoàng
Chủ tịch Quỹ A+

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục