KIDO: “Ông lớn” ngành lạnh tiến sâu thị trường miền Bắc

(ĐTCK) Ngày 9/11 vừa qua, Tập đoàn KIDO (KDC) khánh thành nhà máy thực phẩm đông lạnh lớn nhất khu vực phía Bắc, với tổng vốn đầu tư ban đầu 400 tỷ đồng. Động thái này được đánh giá là bước đi quyết liệt, chớp thời cơ của KIDO, góp phần hiện thực hóa chiến lược trở thành trở “vua ngành lạnh” nói riêng, tập đoàn thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á nói chung.
Ông Trần Quốc Nguyên, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO đang giới thiệu sản phẩm với đối tác Ông Trần Quốc Nguyên, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO đang giới thiệu sản phẩm với đối tác

Ngành lạnh còn nhiều dư địa tăng trưởng

Theo Euromonitor International, năm 2015, thị trường thực phẩm lạnh Việt Nam có quy mô 15.940 tỷ đồng, trong đó ngành kem 2.400 tỷ đồng, sữa chua 9.300 tỷ đồng, các thực phẩm mát và lạnh khác 4.240 tỷ đồng. Ngành kem Việt ghi dấu bởi các doanh nghiệp trong Top đầu như: KIDO, Vinamilk, Thủy Tạ, Tràng Tiền, Bạch Đằng…, với nhiều phân khúc khác nhau.

Cũng theo báo cáo của Euromonitor International, năm 2015, dẫn đầu ngành kem Việt Nam là KIDO, với thị phần 36,9% và bỏ xa đối thủ gần nhất có thị phần là 10,3%. Năm 2015, mức tăng trưởng ngành lạnh (kem và sữa chua) của tập đoàn này đạt 30%, trong đó thương hiệu Merino, Celano, Wel Yo có mức tăng trưởng doanh thu lần lượt là 16%, 16% và 80%.

KIDO chia sẻ, thị trường thực phẩm lạnh còn nhiều dư địa tăng trưởng nên Tập đoàn tiếp tục đầu tư nhà máy để khai thác, dù thời gian qua có làn sóng đầu tư nước ngoài vào thị trường này, nhất là ngành kem.

Thực tế cho thấy, sau khi thương hiệu kem Mỹ là Buds gia nhập thị trường, hàng loạt thương hiệu khác như Baskin Robbins, Snowee, Swensens, Hagen-Dazs, New Zealand, Monte Rosa, Fanny, Dairy Queen “đổ bộ” vào Việt Nam, với phân khúc chủ yếu là trung và cao cấp. Bản thân Unilever, sau 5 năm chuyển nhượng thương hiệu kem Wall’s, cũng đã quay trở lại thị trường Việt Nam.

Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo, mức tăng trưởng kép hàng năm (CARG) giai đoạn 2016 - 2020 của ngành hàng sữa (bao gồm cả sản phẩm sữa chua) và ngành hàng kem tại Việt Nam lần lượt là 13,3% và 11,3%.

13 năm trước, KIDO chính thức mua lại hệ thống kem Wall’s từ Unilever. Trước đó, thị trường kem Việt Nam khá bình lặng, không có tên tuổi nhà sản xuất nội địa nào nổi trội. Nhưng 6 tháng sau thương vụ M&A trên, KIDO lãi hơn 1 tỷ đồng và sau 2 năm, Công ty hoàn vốn đầu tư. 3 năm gần nhất, 2013 - 2015, doanh thu mảng kem của KIDO duy trì mức cao và có sự tăng trưởng đột biến trong năm 2015. Biên lợi nhuận gộp đều đạt trên 50%/năm. Đặc biệt, bắt đầu từ quý III/2015, sau khi hoàn tất chuyển nhượng mảng bánh kẹo, mảng kem và các sản phẩm từ sữa mang lại nguồn doanh thu lớn nhất cho KIDO, chiếm từ 70% tổng doanh thu. Cụ thể, trong năm 2015, doanh thu mảng này đạt trên 1.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt hơn 54%, chỉ sau lợi nhuận gộp của sản phẩm bánh trung thu là 58%.

Mới đây, KDC công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 với các con số tích cực như: doanh thu thuần tăng hơn 30% (không bao gồm doanh thu từ mảng kinh doanh bánh kẹo và dịch vụ bán lẻ), đạt hơn 1.445 tỷ đồng, được đóng góp chính từ ngành hàng đông lạnh với các sản phẩm vừa cho ra mắt thị trường. Trong đó, mảng kem tiếp tục vị thế dẫn đầu, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu, đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của ngành kem đạt 58%, giúp biên lợi nhuận gộp toàn Tập đoàn đạt 50,2% so với mức 39% của cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, cả năm 2016, doanh thu mảng này của KIDO đạt 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 160 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất trong sự thành công của các nhà sản xuất kem chính là kênh phân phối. Theo đó, các doanh nghiệp luôn chú trọng đến việc mở rộng mạng lưới và nâng cao hiệu quả mạng lưới phân phối, đồng thời có chiến lược định vị thương hiệu và tiếp thị để xây dựng hình ảnh sản phẩm, giúp nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

KIDO: “Ông lớn” ngành lạnh tiến sâu thị trường miền Bắc ảnh 1

Kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu, nghiên cứu và am hiểu người tiêu dùng, hệ thống phân phối mạnh trong ngành hàng lạnh đã giúp KIDO đạt được nhiều thành công trong thị trường thực phẩm lạnh Việt Nam. Hiện tại, KIDO có 60.000 điểm được trang bị tủ kem, hệ thống xe đông lạnh để vận chuyển khắp cả nước. Bên cạnh con số tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận thì thị phần của KIDO về mặt hàng kem luôn dẫn đầu trong báo cáo của EIU. Cụ thể, theo bảng xếp hạng thị phần của các công ty sản xuất kem giai đoạn 2010 - 2014, KIDO luôn ở vị trí số 1, từ mức 25,5%, tăng dần đều qua các năm và đạt mức 36,4% vào cuối năm 2014.

Ngoài ra, kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp với từng vùng miền đã giúp KIDO thiết lập được danh mục sản phẩm đa dạng về kem. Đơn cử, trong năm 2013, Công ty tung ra sản phẩm cao cấp mới là Celano Butter Scotch, nhờ đó KIDO duy trì vị trí dẫn đầu về thị phần và đạt được mức tăng trưởng cao trong năm 2014. Các sản phẩm khác cũng lần lượt được KIDO tung ra thị trường như sữa chua bịch Wel Yo, kem chuối… và thường xuyên trong tình trạng “cháy hàng”.

Một thế mạnh khác của KIDO là tiềm lực về tài chính dồi dào tạo thuận lợi cho kế hoạch đầu tư, kế hoạch M&A cho ngành hàng mới. Đây được xem là yếu tố tạo sự đột biến trong doanh thu của KIDO từ năm 2017 trở đi.

KIDO khánh thành nhà máy phía Bắc đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP

Ngày 9/11 vừa qua, KIDO chính thức khánh thành nhà máy thực phẩm đông lạnh tại Khu công Nghiệp VSIP Bắc Ninh, nâng công suất lên 170% so với nhà máy kem hiện tại ở Củ Chi. Sản lượng cung ứng đạt 15.000 tấn/năm, trong đó sữa chua chiếm 9.000 tấn/năm và kem chiếm 6.000 tấn/năm.

Được biết, nhà máy được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế GMP (Good Manufacturing Practices) cùng trang thiết bị sản xuất hiện đại được nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu, Nhật Bản. Hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn quy định về chất lượng tiếp nhận nước thải ở các khu công nghiệp Việt Nam, có công suất hoạt động 500 m3/ngày.

Đặt nhà máy ở Bắc Ninh sẽ giúp Tập đoàn tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển, thời gian cung ứng và phục vụ người tiêu dùng cũng nhanh hơn. Tại thị trường miền Nam, KIDO chia sẻ, Tập đoàn đang có kế hoạch xây thêm 2 nhà máy ở TP. HCM, trong đó có 1 nhà máy sản xuất bánh bao. Sau bánh bao, KIDO sẽ mở rộng các mặt khác trong ngành thực phẩm như há cảo, xíu mại…

Việc hoàn thiện và đưa vào hoạt động nhà máy tại Bắc Ninh là một trong những bước bao phủ thị trường, mở đường cho việc chiếm lĩnh thị trường không chỉ kem và sản phẩm từ sữa của KIDO, mà còn là bước đi quan trọng trong chiến lược đưa KIDO trở thành Tập đoàn thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục