KIDO (KDC) sẽ chia thưởng gần 23 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kido hiện có gần 51 triệu cổ phiếu quỹ, giá trị ghi sổ 1.959 tỷ đồng, tương đương giá bình quân khoảng 38.400 đồng/cổ phiếu.
KIDO (KDC) sẽ chia thưởng gần 23 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông

Tại ĐHCĐ bất thường Tập đoàn Kido (KDC) diễn ra đầu tuần này, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KDC cho biết đã ra mắt chuỗi cửa hàng Chuk Chuk kinh doanh F&B vào tháng 6/2021 nhưng do dịch bệnh nên hoãn không thể mở nhiều cửa hàng như dự kiến.

Theo kế hoạch của TP.Hồ Chí Minh cho phép các cửa hàng bán mang đi hoạt động trở lại, nên từ ngày 22/9, chuỗi Chuk Chuk sẽ triển khai bán online.

Đội ngũ giao hàng của chính công ty và còn kết hợp với các bên ứng dụng công nghệ để giao hàng như Now, Grab….

Trước đó, trong ĐHCĐ thường niên diễn ra tháng 6/2021, KDC cho biết, chuỗi Chuk Chuk sẽ bán kem, trà, trà sữa, cà phê và các loại nước giải khát, bánh tươi và các sản phẩm F&B khác. Kế hoạch sẽ có 11 cửa hàng, kiot đầu tiên trong tháng 6 tại Hồ Chí Minh, đến cuối năm là 58 cửa hàng, kiot. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 1.000 cửa hàng và cũng sẽ hợp tác cùng các đối tác để phát triển sang các nước Châu Á bằng việc triển khai hình thức nhượng quyền thương hiệu.

Trong ĐHCĐ bất thường lần này nội dung chính là xin ý kiến cổ đông thông qua phương án sử dụng gần 23 triệu cổ phiếu để chia lại cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền 10:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1 quyền nhận thêm cổ phiếu. Cứ 10 quyền nhận thì được nhận thêm 1 cổ phiếu mới.

Kido hiện có gần 51 triệu cổ phiếu quỹ, giá trị ghi sổ 1.959 tỷ đồng, tương đương giá bình quân khoảng 38.400 đồng/cổ phiếu.

Được biết, hình thức dùng cổ phiếu quỹ chia thưởng cho cổ đông sẽ không điều chỉnh giảm giá cổ phiếu tham chiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền, nhiều doanh nghiệp cũng đã thực hiện phương án này như Viscostone, Vinaconex…

Nói về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong mùa dịch, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT và Phó tổng giám đốc KDC cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, giá cước tăng cao, di chuyển khó khăn, còn người tiêu dùng thì tiết kiệm trong chi tiêu và chỉ mua hàng online vì thực hiện giãn cách xã hội.

Đối với ngành dầu ăn, giá nguyên liệu dầu thực vật trên thế giới biến động bất thường, 636 USD/tấn tại thời điểm tháng 3/2020 thì nay đã là 1.136 USD/tấn, tương ứng tăng 88%. Trong khi ngành dầu Việt Nam, nguyên liệu nhập khẩu 100% nên có tác động mạnh tới các doanh nghiệp trong ngành.

Với KDC, bà Liễu cho biết, KDC đã tìm được một số đối tác năng lực mạnh, sắp xếp được tàu để vận chuyển hàng theo đúng hợp đồng. Công ty cũng đảm bảo sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ”, điều chỉnh kênh phân phối để đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng, nên KDC không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong dịch bệnh.

Tháng 7, doanh thu KDC đạt 859 tỷ đồng, tăng 18,7%; tháng 8 đạt 890 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc chia sẻ thêm, có 3 khó khăn lớn cho doanh nghiệp là chuỗi cung ứng, nhà nhập khẩu và giá nguyên liệu tăng. Theo đó, KDC đã nâng cao quản trị rủi ro nguyên liệu cũng như hàng hóa, triển khai nhiều giải pháp liên quan đến việc nhập khẩu dầu. Hiện KDC có 3 nhà máy đặt tại TP HCM, Vinh, Vũng Tàu đều đã chủ động bồn chứa.

Ông Tùng dự báo, nguồn cung nguyên liệu tiếp tục biến động và gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề logistics, giá cước tăng cao. Với KDC, đã chuẩn bị trước nguồn nguyên liệu, đảm bảo nguồn hàng cung cấp ra thị trường cho mùa Tết Nguyên Đán sắp tới.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục