Kích cầu tiêu dùng nội địa để phục hồi sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu hụt hơi gần 23 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thì việc kích cầu tiêu dùng trong nước phải là trọng tâm của nửa cuối năm 2023.
Kích cầu tiêu dùng nội địa để phục hồi sản xuất

Kỳ vọng tiêu dùng nội địa nhích lên

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu, Mỹ đều tăng chậm, nhưng thị trường trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực.

Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng qua ước đạt 3.016.700 tỷ đồng, cao hơn mức 2.720.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, cho thấy sức cầu của thị trường trong nước đã có xu hướng nhích lên.

Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,7%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 65,9%; doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,3% (nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,5%; may mặc tăng 9,5%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 9,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4%).

Tín hiệu tích cực là doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương đạt mức tăng hai con số so với cùng kỳ năm trước như: Bình Dương (tăng 15,6%), Quảng Ninh (tăng 14,5%), Hải Phòng (tăng 14%), Đồng Nai (tăng 12,3%)...

Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên, nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu, nhiều cách thức hỗ trợ khác cũng được áp dụng để kích cầu sức mua tại thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 8-9%.

Đà phục hồi sản xuất

Những động thái phục hồi sản xuất trở nên rõ ràng và mang đến nhiều kỳ vọng hơn cho sản xuất và thương mại nội địa khi một số giải pháp kích thích tiêu dùng được thực thi.

Từ đầu tháng 7, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội đối với nhiều mặt hàng. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Đây được xem là động thái tạo cú hích cho tăng trưởng tiêu dùng nửa cuối năm.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng: "Khi giảm thuế thì các doanh nghiệp sẽ phải rà soát, tính lại giá thành của sản phẩm, cùng với các đơn vị bán lẻ đưa ra chính sách giá phù hợp nhất, kích thích mua sắm từ người tiêu dùng”.

Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), nửa cuối năm, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023, dự báo quý III/2023 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, 34,3% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 32,2% số doanh nghiệp tin tưởng lượng đơn đặt hàng dự kiến tăng.

Có nghĩa là, tín hiệu về sản xuất phục hồi và đơn hàng tăng trở lại đã rõ ràng hơn, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp. Nhưng điều doanh nghiệp băn khoăn lúc này là khó khăn về nguồn vốn cho mở rộng sản xuất, dồn lực cho nhập khẩu, dự trữ nguyên liệu cho các tháng cuối năm.

Trong khi đó, việc thực thi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế, triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp.

Để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, Sở Công thương Hà Nội cho hay, sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại kéo dài hơn, giảm giá sâu hơn. Vào những tháng thấp điểm tiêu dùng như tháng 5, tháng 7 và tháng 11, có các chương trình khuyến mại riêng để kích cầu thị trường.

Hiện, Sở Công thương Hà Nội đã nhận được 21.000 chương trình khuyến mại của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Còn tại TP.HCM, chương trình khuyến mãi tập trung lớn nhất trong năm đang diễn ra, kéo dài 3 tháng, đến hết ngày 15/9. Đã có hơn 3.000 doanh nghiệp công bố hơn 7.000 chương trình với mức giảm giá lên đến trên 90%.

“Từ nay đến hết năm 2023, Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước, thực hiện biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục