Tại lĩnh vực khai khoáng, kết quả sản xuất - kinh doanh vừa công bố của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Ước tính sản lượng than nguyên khai 5 tháng của Tập đoàn đạt 18,43 triệu tấn, bằng 46% kế hoạch năm, tăng 9% so với cùng kỳ; than tiêu thụ 18,44 triệu tấn, trong đó than cấp hộ điện là 15,44 triệu tấn, tăng 2,4 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Các lĩnh vực sản xuất khác như khoáng sản, alumina, điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí, dịch vụ khác đều đạt kế hoạch. Doanh thu toàn Tập đoàn 5 tháng đầu năm ước đạt 54.473 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu đặt ra.
Ðối với ngành dệt may, tiếp tục đà tăng trưởng của quý I/2019, ngành dệt may trong tháng 4 và tháng 5 có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Bộ Công thương cho thấy, chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 4 tăng 3,9% so với tháng trước, tăng 15% so với tháng 4/2018. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Tương tự, ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan 4 tháng đầu năm tăng 8,4%. Kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại trong 4 tháng đầu năm ước đạt 5,33 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày cho biết đã có đơn hàng đến hết quý II và vẫn đang tích cực tìm kiếm những đơn hàng mới.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tuy không có nhiều đột biến song cũng có mức tăng trưởng khá (10,9%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp trong 5 tháng đầu năm.
Ðáng chú ý, chỉ số thành lập doanh nghiệp tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm cho thấy đà khởi sắc của một số ngành như xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo… Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản dẫn đầu với số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng 21%, tương ứng hơn 3,17 nghìn doanh nghiệp đi vào hoạt động trong 5 tháng đầu năm.
Những kết quả trên thể hiện hoạt động của các doanh nghiệp tương đối khả quan trong 5 tháng đầu năm, tạo nền tảng thuận lợi cho việc hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh nửa đầu năm nói riêng và cả năm nói chung.
Trong bối cảnh này, Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 vừa được Trường Ðại học Kinh tế - Ðại học Quốc gia Hà Nội (UEB - VNU) công bố đã dự báo khả năng hoàn thành kịch bản tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Theo đó, trong 2 kịch bản kinh tế mà cơ quan này đưa ra, kịch bản tăng trưởng cao ở mức 6,81% được đánh giá là khả thi nhờ những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện ở mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ.
Ðối với kịch bản này, cần chú trọng gia tăng nội lực của doanh nghiệp trong nước và đảm bảo lạm phát không tăng quá mức, ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, VEPR thận trọng cho rằng, vẫn có khả năng xảy ra kịch bản tăng trưởng thấp hơn với mức tăng trưởng quanh ngưỡng 6,56% - 6,6%, lạm phát là 4,21%, xấp xỉ mục tiêu Quốc hội đề ra. Theo TS. Nguyễn Ðức Thành, Viện trưởng VEPR, kịch bản này xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi do tác động từ sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa, trong khi hàng hóa xuất khẩu chịu sức ép cạnh tranh lớn.
“Những tháng đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam đã tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là các động lực thúc đẩy tăng trưởng cả bên trong và bên ngoài đang yếu dần. Trong khi đó, lạm phát năm 2019 được sự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng ở mức 4 - 5%. Ngay ở kịch bản thấp, lạm phát đã lên tới 4,21% và ở mức 4,79% tại kịch bản tăng trưởng cao. Ðây là mức cao hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát mà Quốc hội đặt ra.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng với việc điều tiết cung tiền, lãi suất và tín dụng trong thời gian tới để đảm bảo kiểm soát lạm phát trong mục tiêu, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho hoạt động động sản xuất - kinh doanh”, Viện trưởng VEPR khuyến nghị.