Ba kịch bản cho VN-Index
Với các động lực từ đầu tư công, FDI, Trung Quốc mở cửa…, chúng tôi dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,6%; trong đó, lĩnh vực vực dịch vụ tăng cao nhất, khoảng 7,4%. Với thị trường chứng khoán, lợi nhuận của các doanh nghiệp năm nay ước tính tăng 12,62%, tương ứng EPS tăng 7,65%.
Tại ngày 30/12/2022, P/E trượt 4 quý (TTM) của VN-Index ở mức 10,8 lần và P/E dự phóng 2023 ở mức 10,1 lần, các mức định giá này thấp hơn P/E TTM trung bình 5 năm qua (16 lần). Đồng thời, tại phiên 27/1/2023, tỷ suất thu nhập trên giá là 8,93%, cùng với tỷ suất cổ tức dự phóng năm 2023 là 1,96%, thì tỷ suất lợi tức thị trường ở mức 10,89%, cao hơn lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại hiện nay.
Một số nhóm ngành đáng quan tâm đầu tư trong năm 2023 là dầu khí, điện nước, khí đốt, tiêu dùng thiết yếu, xây lắp, vật liệu xây dựng, du lịch, hàng không, ngân hàng.
Theo đó, chúng tôi xây dựng 3 kịch bản cho VN-Index. Kịch bản cơ sở (có xác suất cao) là chỉ số đạt 1.258 điểm trong năm 2023, tăng 24,9% so với phiên 30/12/2022 và tăng 12,6% so với phiên 27/1/2023. Kịch bản bi quan là chỉ số giảm điểm, dao động quanh ngưỡng 1.000. Kịch bản lạc quan, chỉ số đạt 1.405 điểm, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) “quay xe” trong việc điều hành lãi suất cuối năm nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế lạm phát.
Hiện tại, trong giai đoạn “mưa đã tạnh, nhưng mây chưa tan”, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược phòng thủ trong 6 tháng đầu năm 2023, trước khi có sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Fed.
Một số nhóm ngành đáng quan tâm đầu tư trong năm 2023 là dầu khí, điện nước và khí đốt, tiêu dùng thiết yếu. Cùng với đó, các câu chuyện chuyên biệt của thị trường có thể mang lại cơ hội đầu tư, nổi bật là câu chuyện đầu tư công với nhiều mục tiêu có thể đạt được; nhóm du lịch, hàng không hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa; nhóm ngân hàng có khả năng tăng trưởng lợi nhuận 16%, dù đối mặt với rủi ro nợ xấu và thách thức từ môi trường lãi suất cao.
Ba kịch bản cho VN-Index năm 2023. |
Phác thảo một số nhóm ngành
Về nhóm du lịch, năm 2022 là một năm hồi phục của ngành này, tổng số lượt khách đạt 105 triệu, tăng 161% so với năm 2021 và vượt 2% so với năm 2019 (trước khi dịch Covid-19 xảy ra). Trong đó, khách nội địa là động lực chính dẫn dắt với 101 triệu lượt, tăng 153% và vượt 19%; khách quốc tế đạt 3.700 lượt, gấp 22 lần năm 2021, nhưng chỉ bằng 20% năm 2019.
Lượng khách đến từ Hàn Quốc là 965.000 lượt, Trung Quốc là 125.000 lượt, các nước châu Á khác trừ Hàn Quốc và Trung Quốc là 1,5 triệu lượt, châu Âu là 508.000 lượt, châu Mỹ là 389.000 lượt, châu Úc là 157.000 lượt.
So với năm 2019, hầu hết số lượt khách quốc tế từ các nước trong năm 2022 chỉ bằng 20 - 35%, riêng khách Trung Quốc chỉ tương đương 2%, do chính sách zero-Covid của nước này (trước dịch, du khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 32%). Lượng khách du lịch từ Trung Quốc có thể phải đến giữa năm 2023 trở đi mới hồi phục rõ nét.
Đường hàng không vẫn là phương tiện chính của du khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm trên 80%. Trong năm 2022, tổng số chuyến bay của các hãng hàng không đạt 310.000, chỉ còn thấp hơn 5% so với năm 2019. Dự báo, số chuyến bay năm nay sẽ hồi phục về mức trước dịch.
Theo đó, khi số lượng khách quốc tế đến Việt Nam thực sự hồi phục, đây sẽ là động lực tăng trưởng tiếp theo cho các doanh nghiệp hàng không.
Các cổ phiếu đáng chú ý là SKG, HVN.
Về nhóm dầu khí, giá dầu có thể duy trì ở mức cao trong năm 2023, do tổng nguồn cung dầu và nhiên liệu lỏng được dự báo vẫn ở mức hơn 101 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhu cầu khoảng 0,3 - 0,8 triệu thùng/ngày.
Tổng lượng tồn kho hiện tại của 2 khối OECD và Mỹ ước tính là 4 tỷ thùng dầu, tăng 4% so với đầu năm 2022, nhưng thấp hơn 5% so với đầu năm 2021.
Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được thông qua tháng 11/2022 sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án dầu khí cho các công ty thượng nguồn khi quy định các hình thức đấu thầu, bổ sung các tiêu chí phân loại dự án dầu khí để hưởng ưu đãi, bổ sung chính sách ưu đãi cụ thể cho các từng loại dự án dầu khí như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu dầu thô, tăng thời hạn hợp đồng dầu khí từ 25 năm lên 30 - 35 năm, tùy phân loại dự án…
Đối với các doanh nghiệp trung nguồn, biên lợi nhuận lọc dầu có khả năng sẽ giảm trong năm 2023, nhưng dự kiến duy trì ở mức cao, nhờ các yếu tố như nhu cầu xăng dầu thành phẩm dần gia tăng, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa; giá dầu kỳ vọng neo ở mức cao; công suất lọc dầu trong dài hạn không dễ gia tăng do xu hướng cắt giảm phát thải carbon; doanh số bán xe chạy xăng vẫn cao, xe điện còn chưa phổ biến; dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu về năng lượng, dầu khí cho vận tải, sản xuất.
Nhu cầu xăng dầu trong nước được dự báo tăng trưởng kép 5,5% trong giai đoạn 2022 - 2030 là cơ sở để các doanh nghiệp phân phối có dư địa tăng trưởng trong những năm tới.
Bên cạnh đó, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đang được sửa đổi theo hướng khắc phục những thiếu sót trong quy định hiện tại, giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trung và hạ nguồn.
Các cổ phiếu đáng quan tâm là PVS, BSR, PLX.
Về nhóm ngành tiện ích, 3 tháng cuối năm 2022, toàn ngành sản xuất suy giảm, nhưng ngành điện và nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương.
Việt Nam hiện có tỷ lệ đô thị hóa ở mức 38%, thấp hơn mức trung bình của thế giới và các nước đang phát triển (khoảng 56%). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đô thị hóa thuộc tốp đầu thế giới, xấp xỉ 3%/năm, giúp nhóm hàng tiện tích có tiềm năng tăng trưởng ổn định.
Ngoài ra, dòng vốn FDI giải ngân vẫn tích cực, năm 2022 tăng 13,5%. Các doanh nghiệp FDI tăng thêm đóng góp vào nhu cầu hàng tiện ích.
Riêng đối với ngành điện, EVN đang kiến nghị tăng giá điện, nếu được thông qua sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực.
Các cổ phiếu đáng quan tâm trong ngành điện là HND, PPC, POW, ngành nước là BWE, khí đốt là GAS.
Về nhóm tiêu dùng, do áp lực từ lạm phát và lãi suất tăng, sức mua người tiêu dùng có dấu hiệu suy giảm từ tháng 9/2022, nhưng đã quay trở lại tăng trưởng nhanh chóng sau 2 tháng suy yếu. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, người tiêu dùng đã giảm chi tiêu ở một số nhóm hàng không thiết yếu, nhưng vẫn chi tiêu ổn định cho các mặt hàng thiết yếu. Chúng tôi kỳ vọng, một số ngành xuất khẩu hàng thiết yếu sang Trung Quốc sẽ hồi phục trong năm 2023, sau khi nước này mở cửa hoàn toàn.
Diễn biến chỉ số CPI theo tháng và theo năm so với cùng kỳ. |
Nhìn chung, thị trường tiêu dùng Việt Nam vẫn cho thấy tiềm năng tăng trưởng, nhất là khi GDP bình quân đầu người tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 4.110 USD trong năm 2022, cao hàng đầu khu vực.
Các doanh nghiệp hàng tiêu dùng thiết yếu có lợi thế về dòng tiền kinh doanh nên sẽ ít rủi ro hơn các ngành khác trong bối cảnh lãi suất vẫn ở mức cao hiện tại.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu nhóm tiêu dùng đang ở mức hấp dẫn cho đầu tư trung và dài hạn. Các cổ phiếu đáng quan tâm là TLG, ANV, PAN, VHC.
Về nhóm đầu tư công, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”. Với định hướng đó, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Mục tiêu trên sẽ mang lại nguồn công việc dồi dào cho các doanh nghiệp xây lắp và tạo ra tác động lan tỏa tới các lĩnh vực khác.
Nhóm doanh nghiệp xây lắp bao gồm VCG, C4G, LCG, HHV sẽ hưởng lợi trực tiếp từ chủ trương thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ.
Bên cạnh đó, vật liệu xây dựng sẽ là nhóm được hưởng lợi trực tiếp, bao gồm thép (HPG), nhựa đường (PLC), đá (KSB, DHA, CTI, VLB), xi măng (HT1, BCC).