Trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không đạt mục tiêu 6,7% đề ra, câu hỏi này còn được đặt ra rốt ráo hơn. Thậm chí, quan điểm gần đây của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là ngay cả mức tăng trưởng được dự báo 6,3 - 6,5% cũng không dễ đạt được. Con số có thể thấp hơn, nếu như quý IV/2016, tăng trưởng kinh tế không đạt được ít nhất bằng tăng trưởng của quý IV năm ngoái (khoảng 7%).
Và nếu như thế, liệu năm 2017, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,7% như dự kiến trước đó hay không? Trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm tới, có nên điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp tình hình thực tế hay không? Làm thế nào để đạt được mức tăng trưởng này?...
Tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không đạt mục tiêu 6,7% đề ra
Đó là những câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội sẽ phải đặt ra và trả lời trong Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV khai mạc sáng mai (20/10). Bởi thông lệ, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ phải quyết nghị thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2017.
Vấn đề nằm ở chỗ, không chỉ là tăng trưởng kinh tế đạt bao nhiêu trong năm nay và dự kiến sẽ đạt mức bao nhiêu trong năm tới, mà đằng sau mức tăng trưởng kinh tế, sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô khác.
Một số tính toán cho thấy, việc không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng. Và do đó, tất cả các chỉ tiêu tính theo GDP, như đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ bội chi, nợ công… cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tình hình sẽ càng khó khăn hơn trong bối cảnh nợ công đang ở mức cao, áp lực trả nợ lớn, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu thu và chi ngân sách chưa hợp lý, nợ xấu chưa được xử lý thực chất…
Bởi vậy, tăng trưởng kinh tế không đạt hẳn nhiên sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020, sẽ được báo cáo tại Quốc hội trong chiều mai, sau phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV trong buổi sáng.
Tăng trưởng kinh tế không đạt thì tiền đâu để trả nợ, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ trên GDP từ mức 50% hiện nay lên 55%. Việc xây dựng kế hoạch vay, trả nợ giai đoạn 2016 - 2020, một cách rất rõ ràng, cần lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia là mục tiêu tổng quát. Nhưng nếu tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng, áp lực trả nợ sẽ nặng nề hơn nhiều.
Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra cũng đe dọa khả năng hiện thực hóa Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp này. Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán lên tới 2 triệu tỷ đồng từ vốn ngân sách, trong khi Bộ Tài chính thì lo không đủ nguồn lực để quy định “cứng” sẽ phân bổ từng ấy tiền cho các dự án đầu tư trong 5 năm tới.
Chỉ một vài ví dụ để thấy rằng, phải thật thận trọng trong nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, dự báo tình hình, tính khả thi của các chỉ tiêu cụ thể để bảo đảm phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam. Từ đó, làm nền tảng để xây dựng và thông qua các kế hoạch khác, như kế hoạch đầu tư công, kế hoạch trả nợ…, góp phần quan trọng để các kế hoạch này được thực thi hiệu quả.
Bởi thế, dư luận đang đặt nhiều kỳ vọng vào các đại biểu Quốc hội khi thảo luận và bấm nút thông qua các kế hoạch này.