Ông đánh giá như thế nào về diễn biến của giá vàng thế giới trong ngắn hạn?
Trong ngắn hạn, giá vàng vẫn có xu hướng giảm. Bởi nền kinh tế Mỹ, có sức ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi khá tích cực, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, chỉ khoảng 6,7%. Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, nếu tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp, dưới 6,5%, Mỹ sẽ nâng lãi suất cơ bản của đồng USD. Một khi Fed nâng lãi suất cơ bản đồng USD cũng có nghĩa sẽ có gần 4.000 tỷ USD đang trôi nổi khắp thế giới kể từ đầu năm 2008 đến nay có thể quay ngược trở lại Mỹ. Đồng USD lên giá sẽ ảnh hưởng đến giá vàng và vì thế, giá vàng sẽ điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.
Tổng giám đốc VGB Trần Thanh Hải
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, liệu nền kinh tế Mỹ đã thực sự khởi sắc hay chưa? Báo cáo tuần giữa tháng 4 về tình hình kinh tế Mỹ của FOMC (Ủy ban về thị trường mở của Mỹ) cho thấy, vẫn phải chờ những tín hiệu chắc chắn hơn từ thị trường lao động. Thị trường lao động thực sự vững chắc khi tỷ lệ thất nghiệp trong 2 quý liên tiếp phải ở mức dưới 6,5%. Có nghĩa, quý I/2014 tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ phải dưới mức 6,5% và quý II cũng giảm ở mức này thì mới cho thấy rõ ràng, dấu hiệu cắt giảm lãi của Fed đối với đồng USD sớm hơn.
Bên cạnh đó, vẫn còn có những yếu tố tác động tích cực lên giá vàng và có thể làm cho mặt hàng kim loại quý này tăng trong ngắn hạn chính là tình hình chính trị bất ổn ở Ukraine, mà đứng sau đó là những bất đồng giữa Nga và phương Tây (đứng đầu là Mỹ).
Liệu vàng giao dịch trên thị trường nội địa có dần được kéo sát giá vàng thế giới, thưa ông?
Đối với giá vàng trong nước, ngoài ảnh hưởng của diễn biến giá vàng thế giới thì còn phụ thuộc vào nguồn cung vàng bổ sung của NHNN. Do đó, rất khó có thể định vị được giá vàng trong nước tăng hoặc giảm theo biến động của vàng thế giới là bao nhiêu. Nói cách khác là hiện đã có một cái “phanh” của giá vàng trong nước, nên khó theo sát giá vàng thế giới. Một cái “phanh” thứ hai ngoài lý do trên là hiện thị trường không còn một hệ thống giao dịch vàng miếng, tạo được thanh khoản lớn như trước đây, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012 về kinh doanh vàng miếng.
Như ông nói thì khả năng giá vàng sẽ còn giảm, liệu giá có thể giảm xuống mức nào, thưa ông?
Mức kỹ thuật đối với vàng được “test” vào ngày 28/6/2013 là 1.118 USD/ounce và đến thời điểm này, vàng cũng chưa thể chạm tới mức trên. Có những thời điểm giá vàng đã xuyên “thủng” ngưỡng 1.200 điểm USD/ounce, nhưng cũng chưa xuống tới ngưỡng kỹ thuật 1.118 USD/ounce. Giả sử Fed nâng lãi suất cơ bản của đồng USD, giá vàng có điều chỉnh và nếu điều giảm xuống dưới ngưỡng kỹ thuật trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo tôi, rất khó để có thể Chính phủ Mỹ cùng một lúc nâng lãi suất ồ ạt hút đồng USD về. Vì nếu Mỹ tăng lãi suất lên cao cũng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, do đó, động thái nâng lãi suất của Fed cũng sẽ được tính toán và thực hiện một cách thận trọng, nên giá vàng khó có thể tụt dốc mạnh trong năm 2014 này. Mặt khác, những biến động địa chính trị trên thị trường thế giới luôn tạo cơ hội để giới đầu cơ “đánh” giá vàng lên.
Đối với giá vàng trong nước thì vùng 35 triệu đồng/lượng được xem là khá vững chắc và khi vàng xuống mức này sẽ có nhiều người mua vào.
Mãi lực vàng nội địa hiện đã khác so với trước và chưa hẳn giá giảm, mãi lực tăng, thưa ông?
Mãi lực vàng đến từ 2 nhu cầu, thứ nhất là để tích trữ, thứ hai là để đầu tư. Có thể, những người có tiền nhàn rỗi sẽ tính toán để bỏ một ít vốn vào vàng và một ít vào chứng khoán hay gửi tiết kiệm để có thể giảm thiểu rủi ro. Đây được xem là nhu cầu thực sự trên thị trường. Còn đối với các nhà đầu tư, đầu cơ trước đây được mua – bán vàng qua sàn, qua nhiều tiệm vàng khi Nghị định 24 chưa ra đời thì hiện nay đã bị hạn chế. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, lượng vốn này của nhà đầu tư, đầu cơ có thể chuyển dịch bất cứ lúc nào. Hiện mãi lực này đã bị chặn bớt khi có những rào cản mới đối với thị trường vàng theo quy định.
Nhưng nguồn cung thị trường khan hiếm sẽ có tác động đến giá vàng. Do việc vận hành thị trường vàng không hoàn hảo nên các thành phần tham gia thị trường không còn thuận lợi như trước. Đồng thời, tâm lý lo ngại của khách hàng về việc có được giao dịch thuận lợi khi cung - cầu thường chênh nhau cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường vàng hiện nay.
Theo ông, NHNN có nên tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng để bổ sung nguồn cung?
Đối với thị trường vàng, thông điệp được Thủ tướng đưa ra ngay từ đầu năm 2014 là Nhà nước tiếp tục độc quyền trong việc nhập khẩu và kinh doanh thị trường vàng. Theo tôi, đối với vàng vật chất thì quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ về điều đó là hoàn toàn đúng, vì vàng là tiền tệ và liên quan đến thị trường ngoại hối.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, nhu cầu đầu tư và đầu cơ vàng giống như một tài sản tiền tệ trong dân cư và tổ chức của Việt Nam hiện rất lớn. Đáng chú ý là trong điều kiện nhận thức của người dân về chứng khoán chưa được phổ biến hoặc ý thức của người dân về các sản phẩm tài chính phái sinh như các nước trên thế giới còn hạn chế…, thì những người có tiền nhàn rỗi sẽ ưu tiên bỏ vốn vào vàng. Do đó, nhu cầu của người dân đầu tư vào vàng dưới dạng tài sản để tích trữ là có thực. Nếu không khơi thông được nguồn này sẽ làm tình trạng vàng hóa trong dân ngày càng lớn.
Trong nội dung của Nghị định 24 cũng đã có điều khoản về vàng tài khoản, song trong 2 năm qua chúng ta chưa triển khai. Vì thế, theo tôi, thay vì hạn chế kinh doanh vàng miếng, cần thiết có một sàn vàng quốc gia dưới sự quản lý của NHNN, đáp ứng được nhu cầu nhà đầu tư và người dân.