Tuy nhiên, để có thể đưa nông nghiệp của Việt Nam thành nền sản xuất hàng hóa lớn, ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho rằng, lĩnh vực này cần nhiều hơn nữa sự góp sức của các ngân hàng thương mại. Hồng Dung thực hiện.
Trong thời gian qua, đầu tư cho nông nghiệp trở thành một chủ đề lớn với nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Agribank với vai trò quan trọng cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn đã làm gì trong xu hướng này?
Trước đây, các kênh đầu tư chủ yếu trên thị trường là kinh doanh thương mại như vàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ, gửi tiết kiệm…
Có thể nói, nông nghiệp chưa từng hiện diện trong danh sách của giới đầu tư. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi. Năm 2016, hàng loạt các cam kết chính sách về ưu đãi đầu tư, tích tụ ruộng đất, cải cách thủ tục hành chính của nhà nước đã được đưa ra...
Các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu lớn đã khởi công hàng loạt dự án công nghệ cao trong chăn nuôi, trồng trọt. Agribank cũng đã chủ động đề xuất gói tín dụng ưu đãi tối thiểu 50.000 tỷ đồng cho chương trình nông nghiệp sạch, mở đầu cho gói 100.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện nay.
Theo nhận định của chúng tôi, xu hướng chuyển mạnh sang đầu tư vào thị trường nông nghiệp là có thực và đây sẽ là một trong những kênh hút nhiều vốn nhất trong năm nay.
Từ chỗ chỉ có Agribank quan tâm đầu tư đến nông nghiệp - nông thôn thì hiện tại, tất cả các ngân hàng đều coi đây là lĩnh vực cần mở rộng. Nhưng chắc chắn hiện tại và tương lai 5-10 năm nữa, vì nhiều lý do, Agribank vẫn là đơn vị chủ lực.
Trong chiến lược phát triển của mình, chúng tôi đã chuẩn bị cho vai trò này. Đơn cử như chiến lược đưa vốn và dịch vụ ngân hàng đến từng hộ sản xuất, liên kết hợp tác với hội nông dân, phụ nữ, hội cựu chiến binh và đặc biệt là phối kết hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở để đồng hành cùng doanh nghiệp và hộ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn.
Ông Trịnh Ngọc Khánh
Lần đầu tiên trong quy chế cho vay khách hàng, Agribank đã mạnh dạn dành hẳn một phần quy định về “cho vay hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn” trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh.
Không quá chủ quan, tôi tin rằng hệ thống công nghệ, cơ sở mạng lưới, đội ngũ nhân viên chuyển tải dịch vụ ngân hàng trong nông nghiệp, nông thôn của Agribank đang là mong ước của nhiều tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế.
Theo ông, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có mang lại hiệu quả cao cho Agribank hay chỉ đơn thuần là thực hiện nhiệm vụ chính trị?
Có thể nói thế này, chúng tôi là ngân hàng 100% vốn nhà nước, nên phải thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, nhưng chúng tôi lại là ngân hàng thương mại nên cũng phải cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh để tồn tại và phát triển. Nhiệm vụ khó khăn nhất của chúng tôi là giữ cho 2 nhiệm vụ “mâu thuẫn” này không được trở thành “đối kháng”
. Những chuyển biến lớn trong định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, Nhà nước trong thời gian gần đây là cơ hội lớn, nhiều khả năng tạo đột phá trong kinh doanh của Agribank.
Hiện nhu cầu vốn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn rất lớn, song phải là nguồn vốn giá rẻ. Liệu Agribank có kham nổi?
Thị trường đang có những ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề “vốn” cho các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tôi khẳng định rằng, nội lực Agribank đủ sức đảm bảo vốn cho các dự án có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Mặc dù NHNN luôn sẵn sàng tái cấp vốn cho Agribank để phục vụ khách hàng, nhưng 3 năm qua, Agribank chưa một lần sử dụng “đặc ân” này.
Liên quan đến câu chuyện lãi suất, chúng tôi đã có rất nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí, có mức lãi suất còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ trong Agribank.
Điều này có nghĩa, về phần nguồn vốn, Agribank không gặp vấn đề gì khó khăn. Chúng tôi cũng cho rằng, vốn là cần thiết nhưng chưa phải là “vấn đề quyết định” của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
Nhiều ngân hàng đang hướng về lĩnh vực cho vay nông nghiệp - nông thôn, bởi đây là thị trường được dự báo có thể huy động tới 8 tỷ USD tiền tiết kiệm giá rẻ, và gấp đôi số đó là dư nợ cũng như các loại phí dịch vụ. Ông nhận định như thế nào về xu hướng này?
Đảng và Nhà nước đang quan tâm, tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, do đó xu hướng đầu tư vào nông nghiệp của nhiều nhà băng tăng lên là tất yếu, chúng tôi không cảm thấy lo ngại, ngược lại, rất khuyến khích các ngân hàng tham gia cho vay vốn lĩnh vực này.
Thị trường nông nghiệp tuy có tiềm năng, nhưng cũng tồn tại rất nhiều rủi ro so với các lĩnh vực khác; nếu các ngân hàng thương mại cùng quan tâm và chia sẻ được những khó khăn với bà con nông dân, sẽ phần nào làm giảm gánh nặng cho Agribank.
Điều chúng tôi quan ngại là một số ngân hàng thương mại sẽ có cạnh tranh về lãi suất trong hoạt động cho vay các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả tốt, trong khi đa phần số doanh nghiệp này không thuộc lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Còn với đối tượng khách hàng là hộ sản xuất, bà con nông dân, hay doanh nghiệp đang gặp khó khăn, chúng tôi không lo ngại áp lực cạnh tranh.
Là ngân hàng nhiều kinh nghiệm tại lĩnh vực nông nghiệp, ông có thể cho biết đâu là thuận lợi và khó khăn lớn nhất khi hoạt động tại địa bàn nông thôn. Cơ quan quản lý nên có cơ chế gì để khuyến khích các nhà băng đóng góp nhiều hơn nữa cho việc phát triển khu vực chiến lược này?
Về điểm thuận lợi khi hoạt động trong lĩnh vực này, chúng tôi cho rằng, đó là bà con nông dân rất cần cù, chịu khó. Họ thường sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, có ý thức thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Chẳng hạn, nếu năm nay mất mùa, không có khả năng chi trả, nhưng sang năm được mùa thì người nông dân sẽ sẵn sàng trả nợ. Nghĩa là, nếu bà con nông dân bán được sản phẩm, việc sẵn sàng chia sẻ lợi ích sẽ cao hơn nhiều đối tượng đầu tư khác.
Còn về khó khăn thì rất nhiều. Có ý kiến cho rằng, đó là câu chuyện về tài sản thế chấp, nhưng thực tế cho thấy, đòi hỏi tài sản thế chấp với người nông dân Việt Nam là làm khó cho họ khi vay vốn và đồng thời cũng khó cho ngân hàng khi phải phát mại để thu hồi vốn trong trường hợp sản xuất gặp rủi ro.
Đây là câu chuyện dài kỳ và nhiều diễn đàn đã dược tổ chức nhưng chưa có hồi kết. Ví dụ, ngân hàng đầu tư 40 tỷ đồng vào một dự án nông nghiệp sạch trên diện tích 1 ha.
Tài sản đủ điều kiện thế chấp theo quy định hiện hành chỉ có giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của nhà nước với định giá khoảng vài trăm triệu, trong khi giá thị trường có thể đến hàng tỷ đồng. Còn các tài sản khác hầu như không đủ điều kiện thế chấp. Nếu sản xuất tốt, sản phẩm tiêu thụ có lãi thì khả năng thu hồi vốn là khả thi.
Nhưng khi gặp thiên tai hay rủi ro về thị trường, không tiêu thụ được sản phẩm, tất cả về số 0, thậm chí đất cũng không ai mua và giá trị tài sản thế chấp lúc này không còn nhiều ý nghĩa. Để thu hồi được 40 tỷ đồng là bất khả thi, người cho vay dễ dàng bị xử lý trách nhiệm, nhiều trường hợp là “trách nhiệm hình sự”.
Với thực tế nhiều năm hoạt động tại lĩnh vực nông nghiệp của Agribank, tôi cho rằng, vấn đề thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững mới quyết định đến quy mô và hiệu quả của hoạt động đầu tư; hỗ trợ lãi suất cho vay với người nông dân tuy cần thiết, nhưng hiện tại, quan trọng hơn cả vẫn là quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm và mạnh dạn mở rộng dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp.
Hiện đang xuất hiện một làn sóng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Ông có bình luận gì về xu hướng này và Agribank sẽ làm gì để hỗ trợ cũng như khai thác tối đa làn sóng này?
Tôi đánh giá cao và ấn tượng với những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, như mô hình đi giày trồng rau, trồng hoa trong nhà điều hòa máy lạnh hay hoa quả ăn ngay tại chỗ… Ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp là xu thế chung của thế giới và Việt Nam sẽ không nằm ngoài làn sóng này.
Tuy vậy, đứng ở góc độ người làm ngân hàng, tôi cho rằng “nông nghiệp công nghệ cao” rất kén chủ đầu tư, không phải ai có tiền cũng có thể đầu tư được. Bên cạnh khoa học và công nghệ cần quan tâm đến vấn đề muôn thủa chưa có lời giải là thị trường tiêu thụ, sự cân đối cung cầu, biến đổi khí hậu.
Chia sẻ với Đặc san Toàn cảnh ngân hàng về câu chuyện cổ phần hóa, ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết, từ năm 2016, hoạt động kinh doanh của Agribank đã bước sang một trang mới với những chỉ tiêu kinh doanh vượt kế hoạch mà NHNN đặt ra.
Ngay sau khi kết thúc tái cơ cấu giai đoạn 1, Ngân hàng đã đặt vấn đề phải cổ phần hóa và bắt tay vào việc chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch này.
Đến nay đề xuất của Agribank đã được NHNN và Chính phủ chấp thuận, Ngân hàng đã có các bộ phận đang chuẩn bị cho cổ phần hóa.
"Rất tiếc mong muốn chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng cổ phần vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (28/3/2018) của Agribank có thể sẽ không đạt được, vì đến nay chưa có sự phê duyệt cụ thể nào của cơ quan có thẩm quyền, trong khi quy trình, thủ tục cổ phần hóa DN nhà nước không hề đơn giản. Agribank kỳ vọng đến năm 2019 sẽ thực hiện xong tiến trình này.
Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng, sự phát triển bền vững của Agribank trong thời gian tới và giá cổ phiếu Agribank đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư", ông Khánh nói.