Ngày 9/3, cùng với hơn 123 sở giao dịch chứng khoán trên thế giới, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã “Rung chuông vì bình đẳng giới”.
Đây là sự kiện thường niên được khởi xướng và đồng tổ chức bởi Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc (UN Global Compact), Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Liên đoàn các Sở giao dịch Chứng khoán Thế giới (WFE), sáng kiến Sở Giao dịch Chứng khoán Bền vững (the Sustainable Stock Exchange Initiative), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) diễn ra nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), nhằm kêu gọi các doanh nghiệp đổi mới, chuyển đổi công nghệ và kỹ thuật số để thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Năm 2023 là năm thứ 9 Chiến dịch “Rung chuông vì bình đẳng giới” được tổ chức tại 90 quốc gia và là lần thứ 4 Việt Nam tham gia nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và khu vực tư nhân về tăng quyền kinh tế cho phụ nữ hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển thịnh vượng, bền vững.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh cồng mở đầu Chiến dịch “Rung chuông vì bình đẳng giới” ở đầu cầu HOSE. Ảnh: Lê Toàn |
Sự kiện năm nay với chủ đề “Chuyển đổi số: Đổi mới và Công nghệ vì Bình đẳng giới” nhằm nâng cao vai trò của lãnh đạo nữ trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong tiên phong và đổi mới, thay đổi công nghệ trong thời đại kỹ thuật số nhằm đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Đổi mới và công nghệ sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho nữ doanh nhân, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia thị trường và chuỗi cung ứng.
Phát biểu tại sự kiện, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, bình đẳng giới là thước đo sự văn minh và tiến bộ của một xã hội đồng thời là mục tiêu thứ 5 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Liên quan đến mục tiêu này có rất nhiều nội dung được đặt ra như chấm dứt sự phân biệt đối xử, xóa bỏ bạo lực, cung cấp các dịch vụ công… cho chị em phụ nữ.
Đối với thị trường chứng khoán, bà Phương cho rằng, mục tiêu quan trọng được đặt ra ngày hôm nay chính là “bảo đảm sự tham gia hiệu quả và đầy đủ cũng như cơ hội ngang bằng cho chị em phụ nữ khi tham gia vào các vị trí lãnh đạo ở mọi cấp bậc và lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến cộng đồng”.
Ngành chứng khoán rất tự hào vì đã đạt được một cơ cấu khá hài hòa và cân đối giữa cán bộ viên chức nam và nữ trong nguồn nhân lực và trong bộ máy lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty niêm yết... Đặc biệt, trong vai trò lãnh đạo, phái nữ cũng giữ nhiều vị trí trọng yếu, góp phần tạo nên sự phát triển ổn định, bền vững, hài hòa cho các tổ chức và cho cả thị trường nói chung.
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Lê Toàn |
"Việt Nam chúng tôi có câu “lạt mềm buộc chặt”, chính sự tham gia của nữ giới trong ban lãnh đạo doanh nghiệp đã tạo ra sự đa dạng và linh hoạt, uyển chuyển, mềm dẻo nhưng không thiếu phần quyết đoán trong việc ra quyết định, qua đó nâng cao năng lực điều hành, quản trị của Ban Lãnh đạo, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp này đạt được những thành công vượt trội", bà Phương phát biểu.
Với sự kiện này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với đại diện đến từ các sở giao dịch chứng khoán, các công ty niêm yết và các thành viên thị trường cam kết cùng thúc đẩy bình đẳng giới tại các tổ chức, doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Chúng tôi sẽ đưa các mục tiêu bình đẳng giới vào trong các chương trình đào tạo, tập huấn và xây dựng năng lực cho ứng viên Hội đồng Quản trị, khuyến khích các doanh nghiệp thi hành Quy tắc trao quyền cho phụ nữ (Women’s Empowerment Principles) để đảm bảo cân bằng giới tính trong nơi làm việc và cộng đồng", bà Chân Phương chia sẻ.
Theo Báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới của Liên hiệp quốc năm 2022, việc phụ nữ hạn chế tham gia thế giới kỹ thuật số đã làm thâm hụt 1.000 tỷ USD từ tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong thập kỷ qua, khoản thâm hụt sẽ tăng lên 1.500 tỷ USD vào năm 2025 nếu chúng ta không có hành động cải thiện. Việc đồng hành, tham gia của nữ giới trong thời kỳ chuyển đổi số sẽ mang đến những cơ hội to lớn tiến tới đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững năm 2030.