Khuôn khổ quản lý AI ở châu Âu được cho là quá nghiêm ngặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo giám đốc của Google và Meta, ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) của châu Âu đang bị kìm hãm bởi các quy định quá mức.
Khuôn khổ quản lý AI ở châu Âu được cho là quá nghiêm ngặt

Phát biểu tại Hội nghị công nghệ Techarena ở Stockholm, Thụy Điển, các giám đốc về chính sách công tại Google và Meta đã bày tỏ mối quan ngại về cách tiếp cận nghiêm ngặt của châu Âu đối với việc quản lý các công nghệ như AI và máy học.

"Tôi cho rằng hiện nay có sự đồng thuận rộng rãi rằng các quy định của châu Âu về công nghệ đang tồn tại những vấn đề riêng và đôi khi quá phân mảnh như Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), và đôi khi lại đi quá xa như Đạo luật AI…Nhưng kết quả của tất cả những điều đó là các sản phẩm bị chậm trễ hoặc bị pha loãng và công dân, người tiêu dùng châu Âu phải chịu thiệt", Chris Yiu, Giám đốc chính sách công của Meta cho biết.

Meta trước đây đã bày tỏ lo ngại về khả năng tuân thủ Đạo luật AI - đạo thiết lập khuôn khổ pháp lý và quy định cho công nghệ của EU - khi việc triển khai "không thể đoán trước" là một vấn đề cốt lõi.

Dorothy Chou, Giám đốc chính sách công của Google DeepMind cho biết, một vấn đề chính trong cách tiếp cận của châu Âu đối với việc quản lý công nghệ AI là Đạo luật AI được đưa ra trước khi ChatGPT ra đời.

Đạo luật AI lần đầu tiên được Ủy ban châu Âu đưa ra vào tháng 4/2021. OpenAI đã ra mắt ChatGPT vào tháng 11/2022.

Các công ty Big Tech nói chung đã đẩy mạnh đưa ra quan điểm phản đối cách tiếp cận của EU đối với quy định về công nghệ và tăng cường các nỗ lực vận động hành lang nhằm làm dịu các khía cạnh của Đạo luật AI.

Kent Walker, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google cho biết bộ quy tắc thực hành của EU đối với các mô hình AI mục đích chung (GPAI) - ám chỉ các hệ thống như mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) - là một "bước đi sai hướng".

Văn phòng AI của EU - cơ quan mới thành lập giám sát các mô hình theo Đạo luật AI - đã công bố bản thảo thứ hai của bộ quy tắc thực hành cho các hệ thống GPAI vào tháng 12.

Những lời kêu gọi của các Big Tech về việc nới lỏng quy định công nghệ của EU gần đây đã được chính quyền Tổng thống Donald Trump khuyến khích.

Tại Hội nghị thượng đỉnh hành động AI quốc tế ở Paris tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã chỉ trích châu Âu vì quá tập trung vào việc quản lý AI thay vì nắm bắt tiềm năng tăng trưởng của công nghệ.

Điều hòa các quy tắc của EU cho các công ty khởi nghiệp

Big Tech không phải là bên duy nhất kêu gọi một cơ chế quản lý đơn giản hơn cho các công ty công nghệ hoạt động tại châu Âu.

Một số nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ châu Âu cũng quan ngại về gánh nặng tuân thủ quy định phức tạp đối với các công ty trong danh mục đầu tư của mình.

Antoine Moyroud, đối tác tại Lightspeed Venture Partners cho biết trong khi Mỹ thúc đẩy các sáng kiến ​​như dự án đầu tư Stargate trị giá 500 tỷ USD tạo ra thông điệp kỳ vọng về AI, thì câu chuyện của châu Âu có xu hướng "kịch tính" hơn.

Khu vực này cần bắt đầu suy nghĩ "vượt ra ngoài GDPR, vượt ra ngoài Đạo luật AI của EU" và tạo ra những câu chuyện thành công về công nghệ để khiến mọi người háo hức về triển vọng của công nghệ.

Năm ngoái, các doanh nhân công nghệ trong khu vực đã đề xuất một sáng kiến ​​mới để giải quyết các quy định thị trường bị phân mảnh trên khắp khối 27 thành viên bằng cách thiết lập "chế độ thứ 28". Theo đó, các khuôn khổ pháp lý được đề xuất trong EU sẽ cung cấp cho các công ty một giải pháp thay thế cho các quy tắc quốc gia của các quốc gia thành viên. Ví dụ, có một Quy chế công ty châu Âu theo “chế độ thứ 28” giúp việc thành lập các công ty trách nhiệm hữu hạn công khai tại EU trở nên đơn giản hơn.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục