Khủng hoảng thịt lợn và “gót chân Achiles” của ngành nông nghiệp Việt - Bài cuối: Thời của nông nghiệp thông minh

(ĐTCK) Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng cho phát triển nông nghiệp, nhưng cuộc sống của người nông dân vẫn khốn khó bởi điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn trong suốt năm 2017, nhưng từ quý II/2018 lại rơi vào bão tăng giá và khan hàng thêm một lần nữa phơi bày nhiều điểm yếu của ngành nông nghiệp Việt.
Dự báo, đến năm 2027, sản lượng thịt lợn trong các trang trại chiếm tỷ trọng trên 70% Dự báo, đến năm 2027, sản lượng thịt lợn trong các trang trại chiếm tỷ trọng trên 70%

Khủng hoảng giá lợn là cuộc thanh lọc khốc liệt của thị trường, để rồi định hình “cuộc chơi” chủ yếu nằm trong tay doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi chuyên nghiệp.

Để hạn chế bớt những siêu bão giá thực phẩm trong tương lai, vai trò của Chính phủ trong việc thay đổi ngành nông nghiệp, được dẫn dắt bởi nông nghiệp thông minh và các nông dân thông minh, đang được mong đợi.

Cần thêm những đối trọng với tập đoàn nước ngoài

Trại lợn Lệ Xá (tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) của Tập đoàn Mavin Farm được xây dựng khép kín, đảm bảo quy trình sát trùng và diệt khuẩn chặt chẽ, có hệ thống cho ăn tự động… Khi vào trại phải trải qua khâu sát trùng để đảm bảo không mang mầm bệnh cho vật nuôi.

Trại có tổng cộng 6 chuồng nuôi, mỗi chuồng có 500 con lợn thịt, nhưng chỉ cần 4 công nhân vận hành. Các chuồng nuôi đều sạch sẽ, hầu như không có mùi hôi như các trại chăn nuôi truyền thống.

Mavin hiện hợp tác với khoảng 100 hộ nông dân vận hành các trại lợn có quy mô tương tự trại Lệ Xá và đang tiếp tục mở rộng mô hình. Ngoài tiêu thụ trong nước, hệ thống này còn có mục tiêu phục vụ thị trường xuất khẩu. Quý II vừa qua, các lô hàng đầu tiên của Mavin đã được xuất sang Myanmar.

Masan Nutri - Science, thuộc Tập đoàn Masan, cũng đang chơi một nước cờ lớn với Dự án Tổ hợp chế biến thịt tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV, tỉnh Hà Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, công suất chế biến khoảng 1,4 triệu con lợn, tương đương 140.000 tấn/năm, chiếm khoảng 5% tổng nguồn thịt cung ra thị trường Việt Nam trong năm 2018.

Trong khi đó, Dabaco đang đẩy nhanh kế hoạch đầu tư Khu chăn nuôi lợn Tuyên Quang (giai đoạn 2); đồng thời, thực hiện dự án giết mổ lợn tập trung tại Bắc Ninh, tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng trên diện tích 10 ha, với công suất giết mổ 2.000 con/ngày, khả năng dự trữ đông lạnh khoảng 5.000 tấn.

Những dự án mới với quy mô lớn liên tiếp được các doanh nghiệp công bố cho thấy xu hướng tập trung ngày một rõ nét trong ngành chăn nuôi. Đây cũng là hướng đi mà ngành nông nghiệp Việt Nam buộc phải thích ứng trong giai đoạn cạnh tranh tới đây.

Với riêng ngành chăn nuôi, giới kinh doanh nhận định, số lượng trang trại lớn sẽ tăng lên, đến năm 2027, sản lượng thịt lợn trong các trang trại ước chiếm tỷ trọng trên 70%. Cùng với đó, hợp tác liên kết chuỗi sẽ phát triển mạnh giữa nhà chăn nuôi, nhà giết mổ và nhà phân phối.

Muốn vậy, ngành chăn nuôi chắc chắn sẽ phải mở rộng cửa cho các tập đoàn lớn từ nước ngoài, các tập đoàn tư nhân lớn trong nước mạnh tay đầu tư. Đó là cuộc đua đòi hỏi khả năng trường vốn và tầm nhìn xa, đầu tư dài hạn.

Chẳng hạn, Hòa Phát đã thành lập Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Hòa Phát, vốn điều lệ 3.100 tỷ đồng, nhằm sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn, bò và gia cầm.

Gia nhập thị trường được gần 2 năm, đạt doanh thu khá lớn, nhưng hiệu quả mảng chăn nuôi của Hòa Phát còn khiêm tốn (doanh thu năm 2017 đạt 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận mới đạt 8 tỷ đồng).

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát giãi bày với cổ đông: “Phát triển nông nghiệp là chiến lược của Hòa Phát, do vậy, Ban lãnh đạo Tập đoàn xác định biên lợi nhuận trong ngắn hạn của mảng này duy trì ở mức trung bình thấp”.

Ông Long chia sẻ thêm, mức độ cạnh tranh trong ngành nông nghiệp đang ngày càng gay gắt, cũng như đòi hỏi đầu tư lớn, dài hạn.

Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị, Việt Nam cần phát triển các tập đoàn lớn đầu tư cho nông nghiệp, trở thành đối trọng cân bằng với các doanh nghiệp nước ngoài, để các ngành nông nghiệp chủ chốt không bị chi phối bởi một nhóm các doanh nghiệp.

Nhưng xu hướng này lại trái với thực tế đang diễn ra, khiến các cơ quan quản lý khá bối rối. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 92,35%, các doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm 5,59% và doanh nghiệp có quy mô vừa chiếm 2,06%.

… và sự dẫn dắt của nông nghiệp công nghệ cao

“Việt Nam sẽ trở thành ông lớn nông nghiệp, được dẫn dắt bởi nông nghiệp thông minh và các nông dân thông minh”, ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin, Trưởng nhóm Doanh nghiệp nông nghiệp thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nhận định.

Ông cho biết, quy mô các công ty, cùng với kiến thức của nông dân trong việc sử dụng công nghệ và về thị trường đã biến nông nghiệp từ một hoạt động gia đình thành một lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.

“Nông dân ngày hôm nay là chủ doanh nghiệp với số vốn đầu tư lớn và nắm rõ về công nghệ cũng như thị trường nước ngoài. Họ không chỉ nắm rõ môi trường, mà còn có thể thay đổi nó bằng công nghệ”, ông David John Whitehead nói.

Chủ tịch Marvin cho rằng, nông dân ngày nay đã dần được được thay thế bởi doanh nghiệp kinh doanh gạo, cà phê, ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi và gia súc tại thị trường quốc tế, đồng thời làm việc thường xuyên với nông dân địa phương.

Việc áp dụng công nghệ thông tin và các giải pháp công nghệ cao vào nông nghiệp là xu hướng, hiệu quả và hợp lý. Trong bối cảnh việc tăng cường khả năng nhận thức của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc ngày càng phổ biến, các doanh nghiệp nông nghiệp bắt buộc phải làm mọi cách để có thể có các hệ thống và quy trình xử lý tin cậy, hiệu quả, an toàn.

Để có thể đạt được những mục tiêu này, theo ông David John Whitehead, cần có sự thay đổi trong ngành nông nghiệp bằng sự nỗ lực và đoàn kết của các bên liên quan, bao gồm nông dân, chính phủ, xã hội và các doanh nghiệp tư nhân.

Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã đưa ra một loạt chính sách ưu đãi như giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, ưu đãi lãi suất cho vay hoặc hỗ trợ kinh phí đầu tư…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của doanh nghiệp gửi đến Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 30/7/2018 cho thấy, để những chính sách này đi vào cuộc sống, cần một cuộc “nhổ đinh” mạnh mẽ trong các thủ tục hành chính áp dụng với doanh nghiệp.

Đơn cử, các tiêu chí để xem xét, phê duyệt doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao không rõ ràng.

Doanh nghiệp nông nghiệp cũng đang rất vất vả trong việc tuyển dụng lao động có khả năng “thích ứng và đón đầu” cách mạng công nghệ 4.0 vì khó có thể cạnh tranh với các ngành khác.

Khủng hoảng thịt lợn và “gót chân Achiles” của ngành nông nghiệp Việt - Bài cuối: Thời của nông nghiệp thông minh ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, từ các lĩnh vực như bất động sản… chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng đáng mừng, thể hiện tiềm năng phát triển của nông nghiệp. T

uy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chiếm 8%, đa phần có quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp. Bởi vậy, các tỉnh, sở, ngành phải làm người dân thấy sự khác biệt về hiệu quả giữa hai mô hình nông nghiệp truyền thống và hiện đại.

(Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngày 30/7/2018)

Khủng hoảng thịt lợn và “gót chân Achiles” của ngành nông nghiệp Việt - Bài cuối: Thời của nông nghiệp thông minh ảnh 2

Bộ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. 

Phải cơ cấu lại ngành chăn nuôi lợn theo hai hướng. Một hướng đi theo công nghiệp, cần thiết phải hạ giá thành, bằng cách cải thiện giống, chuồng trại, quản lý tốt. Hướng thứ hai là đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo hướng đặc sản.

Coi phát triển bền vững là đòi hỏi cấp thiết từ môi trường, kinh tế và an sinh xã hội. Đây là câu chuyện rất khó của ngành chăn nuôi Việt Nam, bởi chúng ta phải lo cho 3 triệu hộ nông dân, phải chuyển đổi lao động một cách từ từ.

Khủng hoảng thịt lợn và “gót chân Achiles” của ngành nông nghiệp Việt - Bài cuối: Thời của nông nghiệp thông minh ảnh 3

 Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione.

Liên kết những nông dân nhỏ và doanh nghiệp nông nghiệp để phát triển các liên minh sản xuất đã chứng tỏ là một cơ chế hiệu quả để tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp.

Công nghệ mới đang hình thành cách thức tổ chức chuỗi giá trị nông nghiệp, tạo ra những cơ hội mới và một số rủi ro.

Việt Nam không nên bỏ lỡ những cơ hội sử dụng các công nghệ hiện đại của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chuyển đổi ngành nông nghiệp, trở nên hiện đại hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn về môi trường và xã hội.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục