Khủng hoảng nước cam thúc đẩy tìm kiếm loại trái cây thay thế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá nước cam đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục do ảnh hưởng của thời tiết xấu và dịch bệnh ở Brazil - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới - khiến các nhà sản xuất phải cân nhắc xem liệu họ có thể sử dụng quýt thay thế để làm đồ uống hay không.
Khủng hoảng nước cam thúc đẩy tìm kiếm loại trái cây thay thế

Hợp đồng tương lai nước cam đã tăng giá mạnh kể từ cuối năm 2022 sau một cơn bão, kế đó là một đợt rét đậm, tàn phá hàng mẫu rừng cam ở Florida, khu vực trồng cam chính ở Mỹ - nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, đà tăng đã nhanh hơn trong tháng này do viễn cảnh vụ thu hoạch ảm đạm ở Brazil khiến thị trường lo ngại.

Hợp đồng tương lai nước cam cô đặc giao dịch trên Sàn giao dịch liên lục địa ở New York đã đạt 4,92 USD/pound vào thứ Ba (28/5), gần gấp đôi giá một năm trước.

Kees Cools, Chủ tịch Hiệp hội nước ép rau quả quốc tế (IFU) cho biết: “Đây là một cuộc khủng hoảng… Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy, ngay cả trong những đợt đóng băng và bão lớn”.

Theo IFU, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đã làm dấy lên lo ngại về việc giá tăng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và định hình lại cơ bản ngành công nghiệp nước cam toàn cầu.

Thông thường, các nhà sản xuất có thể khắc phục sự khác biệt về hương vị giữa mùa này với mùa khác bằng cách pha trộn nước cam đông lạnh dự trữ - có thời hạn sử dụng hai năm - từ mùa trước với vụ mùa mới hơn. Nhưng ba năm liên tiếp nguồn cung sụt giảm đã làm cạn kiệt kho dự trữ.

Và giải pháp lâu dài cho tình trạng khan hiếm cam có thể là làm nước cam từ quýt, loại cây có khả năng chống chọi tốt hơn với biến đổi khí hậu ở các vùng đang phát triển.

Theo ông Kees Cools, lựa chọn dài hạn duy nhất mà “không chạm đến tính tự nhiên và hình ảnh của sản phẩm” có thể là “sử dụng các loại trái cây khác nhau”.

Hợp đồng tương lai nước cam tại New York

Hợp đồng tương lai nước cam tại New York

Ngành công nghiệp này đã đang thử nghiệm vấn đề này. Tại Nhật Bản - quốc gia thường nhập khẩu 90% nước cam, chủ yếu từ trái cây trồng ở Brazil - tình trạng khan hiếm nguồn cung càng trở nên trầm trọng hơn do đồng yên suy yếu, đẩy chi phí nhập khẩu lên cao hơn nữa.

IFU đang xem xét bắt tay vào quy trình quản lý để cho phép đồ uống này có chứa các loại trái cây họ cam quýt ngoài cam.

Mặt khác, nguồn cung ngày nay bị siết chặt còn do ảnh hưởng từ 20 năm trước khi bệnh vàng lá gân xanh - một căn bệnh nan y lây lan do côn trùng hút nhựa cây khiến quả cây có vị đắng trước khi chết hoàn toàn - lần đầu tiên được phát hiện ở Mỹ.

Đến năm 2008, căn bệnh này đã lan rộng khắp Florida - nơi trước đây chiếm hơn 80% nguồn cung của Mỹ. Hai thập kỷ trước, Florida đã sản xuất khoảng 240 triệu hộp nước cam mỗi năm. Ngày nay, do tình trạng biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn, con số này đã giảm xuống chỉ còn 17 triệu hộp mỗi năm.

Brazil đã gia nhập thị trường để bù đắp sự thiếu hụt nhưng giờ đây cường quốc nông nghiệp Nam Mỹ cũng đang bắt đầu gặp khó khăn. Theo ước tính từ tổ chức trồng cam quýt Fundecitrus, sản lượng năm nay đã giảm 1/4 xuống còn 232 triệu hộp cam.

Andrés Padilla, một nhà phân tích tại Rabobank cho biết, những vườn cam ở Brazil đã bị tàn phá bởi nhiệt độ cao hơn mức trung bình và lượng mưa dưới mức trung bình, trong đó chưa đến 1/3 số trang trại được tưới tiêu.

Rabobank ước tính gần 40% vườn cam ở vùng trồng chính ở phía đông nam của Brazil bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh.

Căn bệnh này cũng làm cho cam rụng sớm hơn, khiến nông dân có xu hướng thu hoạch sớm hơn bình thường, và điều này một lần nữa ảnh hưởng đến “hương vị” và “tạo ra thách thức cho ngành công nghiệp nước cam”.

Các giám đốc điều hành trong ngành cho biết người tiêu dùng có thể sẽ cảm nhận được tác động trong nhiều năm. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất đã chuyển chi phí gia tăng sang cho khách hàng.

Sarah Baldwin, Giám đốc điều hành của Purity Soft Drinks cho biết: “Do những yếu tố hỗn loạn và không chắc chắn trên toàn cầu và ở Anh, chúng tôi đã phải xem xét lại giá cả và kích thước đồ uống của mình”.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Jack Scoville, nhà môi giới tại Price Futures Group ở Chicago cho biết, trước đại dịch Covid, một số người Mỹ đã bỏ nước cam vì lo ngại hàm lượng đường trong nó và chuyển sang dùng thực phẩm bổ sung để bổ sung vitamin C hàng ngày. Nhưng sau khi Covid diễn ra, người tiêu dùng lại quay lại ưa chuộng nước cam hơn.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục