Khủng hoảng nợ Dubai - nguy cơ đổ vỡ mới?

Dubai, ốc đảo ở Vùng Vịnh đã bừng tỉnh sau cuộc khủng hoảng nợ của ngọn cờ Dubai World, tập đoàn địa ốc lớn nhất và quan trọng nhất của Tiểu vương Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), từng được biết đến với khẩu hiệu "Mặt Trời không bao giờ lặn ở Dubai World".
Khủng hoảng nợ Dubai - nguy cơ đổ vỡ mới?

Dubai là trung tâm lớn thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời là trung tâm đầu tư ra nước ngoài, với các hoạt động chính là địa ốc, tài chính, du lịch. Năm 2008, Dubai thu hút 21 tỷ USD đầu tư nước ngoài.

TIN LIÊN QUAN

* Dubai: Từ A đến Z

* Liều thuốc dành cho Dubai chưa đủ mạnh

* “Đại gia” bất động sản Dubai muốn xin khất nợ

Nhưng phải chăng Mặt Trời đã lặn ở Dubai World? Liệu cuộc khủng hoảng nợ ở Dubai có ảnh hưởng tới sự phục hồi còn non nớt của kinh thế giới và lan sang lĩnh vực tài chính toàn cầu hay không? Liệu khó khăn tài chính của Dubai có dẫn tới một khủng hoảng mới hay không?

 

Các nguy cơ: Lớn hay nhỏ?

 

Trong bối cảnh thế giới lo âu trước việc Dubai World xin khất nợ 60 tỷ USD và nhiều sàn giao dịch chứng khoán châu Á và châu Âu tuột dốc trong ngày 27/11, các nhà lãnh đạo thế giới đã trấn an thị trường và thể hiện lòng tin vào nền kinh tế toàn cầu.

 

Mặc dù Anh là nước có nhiều ngân hàng thương mại có liên quan tới những khó khăn tài chính của UAE, nhưng Thủ tướng Gordon Brown chỉ coi cuộc khủng hoảng nợ của Dubai là sự thoái trào, chứ không nằm trong quy mô của những cuộc khủng hoảng nợ trước đó mà họ từng giải quyết.

 

Ông Brown khẳng định, hệ thống tài chính thế giới giờ đây đang vững mạnh hơn và có khả năng giải quyết những khó khăn nảy sinh.

 

Thủ tướng Pháp Francois Fillion nói rằng, Vùng Vịnh có đủ nguồn lực để đảm bảo thế giới không rơi vào làn sóng thứ hai của cuộc khủng hoảng tài chính.

 

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại việc thiếu thông tin chi tiết về kế hoạch trả nợ của Dubai có thể làm dấy lên nỗi lo về tình hình tài chính của họ. Nhiều thể chế đầu tư hùng mạnh khác cảnh báo nợ của Dubai có thể lên tới 80 tỷ USD, trong đó 59 tỷ USD là nợ của Dubai World.

 

Nguy cơ Dubai bị vỡ nợ khiến người ta liên tưởng tới vụ phá sản của đại gia Lehman Brothers mùa Thu năm ngoái, khởi nguồn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một số còn tỏ ra cực đoan khi đưa ra kịch bản "cuộc khủng hoảng tài chính lần 2".

 

Giới đầu tư lo ngại hậu quả dây chuyền, khi có thêm những tập đoàn khác trong khu vực xin gia hạn nợ, và tác hại đối với hệ thống ngân hàng sẽ rất nghiêm trọng.

 

Sau khi có thông báo xin khất nợ của Dubai World, Hãng xếp hạng tín dụng S&P đã đánh tụt hạng của một số thể chế có liên quan tới chính quyền Dubai. Một nhà kinh tế Arập Xêút còn nói rằng "đó là một vấn đề nghiêm trọng đến nỗi có thể làm rung chuyển hệ thống tài chính Vùng Vịnh".

 

Tầm nhìn Dubai: Chiến thắng hay thất bại

 

Trong cuốn "Tầm nhìn của Tôi", tác giả Sheikh Mohammad bin Rashed al-Maktoum, từng nói lên mơ ước Dubai, nơi luôn tìm kiếm sự sáng tạo, sẽ trở thành trung tâm kinh tế của thế giới. Nhưng đáng tiếc là cuộc khủng hoảng của Dubai gần như đã làm tiêu tan giấc mơ đó.

 

Nhờ sự phát triển nhanh trong những năm gần đây Dubai đã trở thành trung tâm du lịch và tài chính trong khu vực. Nhưng không như những người láng giềng khác, Dubai đã có hướng phát triển hoàn toàn khác. Không có nhiều nguồn lợi dầu mỏ, nhưng họ lại bỏ ra hàng chục tỷ USD để xây dựng các tòa nhà chọc trời phá kỷ lục thế giới. Dubai trong một thời gian dài đã được cả thế giới ngưỡng mộ. Nhưng nay ai cũng thấy là tiểu vương này "nợ như chúa chổm".

 

Nhưng có nhiều người tin rằng nên giới thiệu mô hình phát triển của Dubai do biết tận dụng những lợi thế về địa lý và đã mang lại sự thành công về kinh tế.

 

Ông Kit Juckes, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn giao dịch tiền tệ ECU có trụ sở tại London gọi đó là "bong bóng chỉ xảy ra một lần" bởi không nơi nào trên thế giới có tốc độ xây dựng ngông cuồng đến thế".

 

Thị trường: Điều chỉnh hay xói mòn

 

Do tác động của cuộc khủng hoảng nợ Dubai, thị trường dầu thô ngày 27/11 đã trải qua phiên rớt giá mạnh nhất từ tháng 1 năm nay. Do đóng cửa ngày 26/11 nhân Lễ Tạ ơn, sang ngày 27/11, Phố Wall mới cảm nhận được tác động của sự kiện Dubai, với việc chỉ số Dow Jones mất 1,48% điểm.

 

Cùng ngày 27/11, chỉ số CAC 40 của Paris, sau khi sụt 3,41% trong ngày 26/11, đã lấy lại 1,15% và các thị trường khác của châu Âu cũng tăng trở lại. Lý do là các nhà đầu tư nhận thấy thực ra các ngân hàng không bị ảnh hưởng nhiều bởi những khó khăn tài chính của Dubai.

 

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á đều sụt giảm rất mạnh, nhưng đó là bởi ngoài chuyện của Dubai, các nhà đầu tư còn lo ngại về hậu quả của việc đồng yên tăng giá quá mạnh so với đồng USD.

 

Một số nhà phân tích cho rằng, thị trường phát triển quá nóng trong năm nay và sự kiện Dubai chỉ là khởi đầu cho sự điều chỉnh trên thị trường.

 

Ông Mohamed El-Erian, Tổng giám đốc Pacific Investment Management Co. của Mỹ nói rằng, những khó khăn của Dubai báo trước "sự điều chỉnh quá chậm" trên thị trường chứng khoán và thị trường đầu tư có rủi ro khác vốn lệ thuộc vào việc bơm tiền từ các gói kích thích kinh tế nhiều tỷ USD của chính phủ các nước.

 

Để chống chọi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhiều nước đã giữ lãi suất ở mức cực thấp và liên tục bơm tiền vào hệ thống tài chính. Và bong bóng tài sản đứng đằng sau các thị trường được cho là khởi sắc thời gian qua.

 

Quan điểm đó cũng nhận được sự đồng thuận của ông Mark Mobius từ Công ty Templeton, người dự báo cuộc khủng hoảng nợ Dubai có thể làm các thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế đang nổi giảm 20%.

 

Thị trường bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Dubai và một số nhà quan sát cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ có thể tác động tới sự thịnh vượng kinh tế của họ. Dubai có thể sẽ rao bán bất động sản có giá trị với giá rẻ và gây ra hiệu ứng đôminô trên toàn thị trường bất động sản.

 

Số liệu từ Ngân hàng Deutsche Bank cho thấy, giá nhà đất ở Dubai đã giảm một nửa từ tháng 8 tới nay.

 

Các nhà phân tích từ Bank of America cảnh báo nếu cuộc khủng hoảng nợ Dubai lan sang các nền kinh tế mới nổi sự phục hồi của kinh tế thế giới có thể sẽ bị thụt lùi. Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Dominique Strauss-Kahn cảnh báo, kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi nên nguy cơ bị tổn thương vẫn rất cao. Do đó, mỗi nền kinh tế cần phải gắn phát triển với tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng.

 

Trong một động thái nhằm trấn an giới đầu tư, ngày 29/11, Ngân hàng Trung ương UAE cam kết sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong nước và quốc tế đang hoạt động tại nước này, thông qua việc hỗ trợ khả năng thanh khoản và khẳng định hệ thống tài chính vẫn lành mạnh. Ngân hàng đang theo dõi sát sao tình hình sau cuộc khủng hoảng nợ Dubai để bảo đảm không gây phương hại tới nền kinh tế.

 

IMF và nhiều nước đã hoan nghênh động thái trên của Ngân hàng Trung ương UAE, đồng thời kêu gọi nhà chức trách Dubai có một cơ chế phối hợp giải quyết vấn đề giữa các chủ nợ và Dubai World.


TTXVN

Tin cùng chuyên mục