Trên trang web đấu giá của Yahoo Japan Corp ngày hôm nay (14/4), gói snack vị pizza của Calbee được rao bán với giá 1.250 yên (12 USD), trong khi thông thường được bán với giá chưa tới 200 yên.
Bức ảnh các kệ hàng snack tại nhiều siêu thị gần như trống không được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội.
Diễn biến này xuất phát từ việc Calbee thông báo rằng có thể tạm thời ngừng bán 15 dòng sản phẩm khoai tây chiên đóng gói do mùa vụ thất thu tại Hokkaido, vùng cung cấp khoai tây chủ yếu. Khu vực này đã bị thiệt hại nặng trong căn bão vào năm ngoái.
Hokkaido chịu thiệt hại nặng vì bão năm ngoái
Các sản phẩm snack khoai tây của Calbee là loại snack được ưu chuộng nhất theo kết quả khảo sát của TV Asahi trong năm 2016.
Trong khi sự chú ý đang đổ dồn vào Calbee, theo các chuyên gia, vấn đề thiếu hụt nguồn cung khoai tây có thể lan rộng sang chuỗi các cửa hàng đồ ăn nhanh và nhà hàng. Tờ Nikkei đã gọi đây là “Khủng hoảng khoai tây” trên toàn quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản đối diện với tình trạng thiếu hụt các loại lương thực chủ yếu, mà nguyên nhân xuất phát từ số lượng nông dân suy giảm, việc nhập khẩu khó khăn do hàng rào thuế cao.
Đây không phải lần đầu tiên Nhật Bản đối diện với tình trạng thiếu hụt các loại lương thực chủ yếu
Rie Makuuchi, người phát ngôn của Calbee cho biết, công ty sẽ làm mọi việc để tiếp tục cung cấp mặt hàng này, bao gồm việc cân nhắc sử dụng thêm khoai tây nhập khẩu từ Mỹ, đề nghị nông dân vùng Kyushu thu hoạch sớm hơn thường lệ. Bên cạnh đó, Calbee cũng lên tiếng nhắc nhở giới chức Nhật Bản rằng, chính quy định hạn chế số lượng khoai tây nhập khẩu được sử dụng để sản xuất snack là một phần nguyên nhân dẫn tới việc thiếu hụt nguồn cung loại nguyên liệu này.
Một đối thủ khác của Calbee là Koike-ya Inc cũng đã phải tạm ngừng bán 9 loại snack. Công ty này chỉ sử dụng khoai tây sản xuất tại nội địa, không hề dùng nguyên liệu nhập khẩu.