Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc, các điều khoản dự kiến sẽ có hiệu lực sau ngày 14/2, bao gồm cam kết, Trung Quốc không phá giá đồng tiền quốc gia. Đổi lại, Bộ Tài chính Mỹ đã loại Trung Quốc ra khỏi danh sách các nước “thao túng tiền tệ” mà chính Washington đưa vào hồi tháng 8 năm ngoái.
Tuy nhiên, với bối cảnh hiện tại, theo giới phân tích tài chính, Bắc Kinh có thể “bị cám dỗ” và cho phép tỷ giá đồng nhân dân tệ mất giá dần dần để hỗ trợ xuất khẩu trong những tuần tới. Những nỗ lực bao quát của chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn tăng trưởng kinh tế nước này chậm lại đột ngột do dịch bệnh.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được kéo dài ở hầu hết các tỉnh thành Trung Quốc, trong khi nhiều nhà máy và công ty đã phải đóng cửa theo lệnh của chính phủ, lệnh hạn chế đi lại được ban bố rộng rãi, dịch vụ vận tải và các nhóm du lịch cũng bị cấm.
“Tăng trưởng sẽ rất khó khăn vì các thành thành phố lớn bịphong tỏa. Rất nhiều cửa hàng đang phải đóng cửa. Ngân hàng trung ương hoàn toàn hiểu, sẽ có áp lực giảm giá đồng nhân dân tệ. Họ không muốn giết chết ngành sản xuất trong nước”, Jimmy Zhu, chiến lược gia tại Fullerton Markets cho biết.
Do đó, đồng nhân dân tệ đã giảm, vượt 7 nhân dân tệ đổi 1 USD, mốc quan trọng về mặt tâm lý, trong tuần này và giảm khoảng 2% trong vong một tháng qua.
Đáng nói là, Trung Quốc đã bị Mỹ dán nhãn “nước thao túng tiền tệ” vào tháng 8 năm ngoái sau khi đồng nhân dân tệ giảm giá, đạt mức 7 nhân dân tệ đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỷ trước.
Giới phân tích cho rằng, với việc chưa có gì rõ ràng về thời gian và quy mô mà dịch bệnh còn hoành hành, đồng nhân dân tệ vẫn còn đầy rủi ro.
Ông Zhu dự đoán, đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục trượt giá xuống quanh mốc 7,05 - 7,08 nhân dân tệ đổi 1 USD vào cuối quý, với tốc độ trượt giá sẽ chậm lại bởi tỷ giá tham chiếu hàng ngày của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).
Mỗi ngày, đồng nhân dân tệ được phép giao dịch cao hơn hoặc thấp hơn 2% tỷ giá tham chiếu của PBOC. Thứ Tư tuần này (5/2), PBOC quy định tỷ giá tham chiếu là 6,98 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Ken Cheung Kin-tai, chiến lược gia tiền tệ châu Á tại Mizuho Bank nhận định, việc đồng nhân dân tệ mất giá lần này có thể sẽ không vấp phải sự chỉtrích từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, do nguyên nhân đến từ các yếu tố trong nước và không được sử dụng để đối phó với các lệnh tăng thuế của Mỹ .
“Ngoài ra, ông Trump cũng ít có khả năng leo táng chiến tranh thương mại trước cuộc bầu cử ở Mỹ”, ông Cheung nói thêm và cho rằng, Mỹ có xu hướng sẽ phối hợp các nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Trong thông điệp Liên bang được ông Trump đọc trước Quốc hội Mỹ vào tối thứ Ba (4/2), ông Trump cho biết, Mỹ đang hợp tác với Trung Quốc để chống lại sự bùng phát của dịch bệnh.
“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc đối phó với sự bùng phát dịch bệnh do virus corona ở nước này”, Nhà lãnh đạo Mỹ nói, song không tiết lộ chi tiết.
PBOC hôm 3/2 đã quyết định giảm lãi suất đối với hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 2,5% xuống còn 2,4% và kỳ hạn 14 ngày từ 2,65% xuống còn 2,55%. PBOC cũng bơm khoảng 174 tỷ USD vào thị trường thông qua hợp đồng repo đảo ngược. Động thái này làm tăng thanh khoản thị trường Trung Quốc và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn những nghi ngờ về việc liệu các biện pháp của PBOC có giúp các ngân hàng mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ hay không.
Đường phố Bắc Kinh vắng vẻ do lệnh hạn chế đi lại trước sự bùng phát của dịch bệnh. Ảnh: Reuters.
Theo tuyên bố mới nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dịch bệnh do virus corona gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Trong khi, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, cơ quan này đang xem xét đưa ra cảnh báo dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc lần này là đại dịch toàn cầu.
Số ca tử vong do virus corona ở Trung Quốc đại lục đã vượt qua cả đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, với hơn 31.000 ca nhiễm và hơn 600 ca tử vong.
Tommy Xie Dongming, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng OCBC cho biết, mối lo ngại về sức khỏe có khả năng khiến tiêu dùng của Trung Quốc giảm mạnh, trong khi thiệt hại về sản xuất ban đầu sẽ lớn hơn so với thời kỳ SARS do chính sách phong toả các thành phố.
“Khi mọi người ở nhà và không mua bán gì cả thì nền kinh tế sẽ như thế nào, tất cả đang có ở Trung Quốc”, Michael Every, Chiến lược gia tại Rabobank nói.