“Xanh” là tiêu chí bắt buộc
Phát triển xanh đang là nội dung được cả các địa phương lẫn chủ đầu tư quan tâm và có ngày càng nhiều hơn các kế hoạch hành động được xây dựng, thực thi để hiện thực hóa các mục tiêu “xanh”.
Lấy trường hợp tỉnh Nam Định làm dẫn chứng, theo Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 16/8/2023 (Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050), đến năm 2030, địa phương này đặt mục tiêu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đô thị đạt 60-80%.
Đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014; tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đô thị đạt 100%, nước thải đô thị được xử lý phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận..
Cùng với đó, Nam Định phấn đấu “xanh hóa” các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, đặt mục tiêu đến năm 2030, tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021-2030 giảm từ 1-1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15-20%; kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 2%; tối thiểu 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Đến năm 2050, tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân mỗi giai đoạn (10 năm) giảm 1%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 25-30%; phấn đấu kinh tế số đạt 50% GDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 2-3%; ít nhất 60% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…
Hay như tỉnh Nghệ An, theo Quyết định 3560/QĐ-UBND ngày 1/11/2023, mục tiêu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên tổng sản phẩm tại địa bàn (GRDP) giảm từ 9-18,4% so với năm 2018; tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 giảm từ 1-1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo đạt 15-20%; kinh tế số đạt 30% GRDP; độ che phủ rừng ổn định ở mức 58%; khoảng 90% cơ sở kinh doanh có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn về môi trường…
Nhiều địa phương khác cũng đưa ra các kế hoạch tăng trưởng xanh, trong đó nội dung chính là giảm thiểu phát thải carbon, tăng cung cấp và sử dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi số…
Chuyển hướng cùng “xanh”
Về phía chủ đầu tư, ghi nhận thực tế tại Khu công nghiệp Long Hậu (Long An) cho thấy, dự án được phát triển với nhiều mảng xanh, hệ thống xử lý nước thải hiện đại, công suất lớn, nhiều khách thuê trong khu công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời áp mái); các hạng mục kho, xưởng do Long Hậu phát triển để cung cấp cho khách thuê cũng được tính toán theo hướng tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng (có sẵn phương án cho khách thuê lắp mặt trời áp mái ở nhiều kho, xưởng).
Ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty cổ phần Long Hậu cho hay, bên cạnh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý môi trường và phát thải, yếu tố quyết định thành công cho công cuộc “xanh hóa” phụ thuộc vào sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp.
Hiện nay, xuất phát từ yêu cầu của khách hàng và thị trường mục tiêu, một số doanh nghiệp sản xuất đã tăng cường đầu tư để “xanh hóa”.
“Sau thời gian dài kiên trì thực hiện từng mục tiêu phát triển bền vững, Khu công nghiệp Long Hậu là một trong số rất ít khu công nghiệp tại Việt Nam đạt chứng chỉ ISO 14001:2015 về quản lý môi trường. Chúng tôi tin rằng, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất - kinh doanh không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế lâu dài cho các doanh nghiệp, mà còn tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cư dân trong khu vực”, ông Hiếu nói và cho biết thêm, cùng với Khu công nghiệp Long Hậu, nhiều khách thuê đang từng bước triển khai các hoạt động thực hành phát triển bền vững một cách nghiêm túc và có hệ thống.
Điển hình là việc đầu tư xây dựng công trình xanh, giảm lượng khí thải và tiêu thụ năng lượng; tham gia vào các chương trình cộng đồng; nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động; thực hiện các báo cáo minh bạch về quản trị doanh nghiệp…
Tương tự, đại diện Tổng công ty IDICO - Công ty cổ phần cho hay, không chỉ chú trọng phát triển các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại, IDICO còn đặc biệt coi trọng việc chuyển đổi theo hướng bền vững, thân thiện môi trường để tạo thêm lợi thế cạnh tranh, sức hấp dẫn của khu công nghiệp với khách thuê.
Bình luận về các mục tiêu bền vững mà Việt Nam đang hướng đến, cũng như tác động của điều này tới cộng đồng các doanh nghiệp châu Âu, ông Dominik Meichle - Chủ tịch EuroCham cho hay, cam kết của Việt Nam đối với các tiêu chuẩn ESG đã nâng cao đáng kể sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp châu Âu tập trung vào đầu tư có trách nhiệm.
Đặc biệt, cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã đặt nền tảng vững chắc cho sáng kiến toàn quốc nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn. Những cam kết này rất quan trọng vì phù hợp với sự thúc đẩy toàn cầu về bền vững.
Cũng theo Chủ tịch EuroCham, mặc dù hướng đi này đầy hứa hẹn nhưng tốc độ thay đổi cần phải nhanh hơn để đáp ứng các mục tiêu bền vững đầy tham vọng của Việt Nam. Điều cần thiết là Việt Nam phải tăng cường hỗ trợ các hoạt động bền vững và hợp lý hóa các quy trình thúc đẩy tăng trưởng xanh trên tất cả các lĩnh vực.
Làm như vậy sẽ không chỉ thu hút đầu tư liên tục, mà còn giúp Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế và phúc lợi của người dân. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn mang lại cơ hội cho Việt Nam vạch ra lộ trình riêng hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Lấy ví dụ với hạng mục năng lượng, Chủ tịch EuroCham cho rằng, đầu tiên và quan trọng nhất, độ tin cậy của cơ sở hạ tầng năng lượng là điều cần thiết đối với các ngành công nghệ cao, vì sự gián đoạn có thể ảnh hưởng đáng kể đến năng suất và lợi nhuận.
Cải thiện lĩnh vực này sẽ liên quan đến việc nâng cấp lưới điện để tích hợp nhiều nguồn tái tạo hơn như điện gió ngoài khơi, cùng với chiến lược rõ ràng nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và thúc đẩy đầu tư tư nhân vào việc hiện đại hóa lưới điện.
Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ 4 năm 2024 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng sự phối hợp của Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA), sẽ diễn ra tại Khách sạn Mai House Saigon, TP.HCM vào thứ Ba (30/7/2024).
Với chủ đề “Xanh hóa đón sóng đầu tư mới”, diễn đàn sẽ tập trung đánh giá triển vọng và những thách thức mới đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam; thảo luận chuyên sâu các vấn đề liên quan chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp, hướng tới xây dựng các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái để thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là những dự án công nghệ cao, quy mô lớn từ các tập đoàn toàn cầu.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Báo Đầu tư cũng sẽ phối hợp với VIREA tổ chức Cuộc bình chọn “Vì tương lai xanh” (VIPF Green Future Awards) nhằm cổ vũ, vinh danh những chủ đầu tư có chiến lược phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trong các khu công nghiệp có chiến lược phát triển xanh, sử dụng năng lượng sạch, hạ tầng cơ sở bền vững, quản lý nguồn nước thông minh và tài nguyên trong hệ sinh thái, góp phần thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững.
Hạn chót nhận hồ sơ đăng ký ngày 10/7/2024.
Thông tin chi tiết về diễn đàn và cuộc bình chọn vui lòng xem tại địa chỉ: https://vipf.vir.com.vn/