Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"

(ĐTCK) Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.
Khu công nghiệp Hiệp Phước tham gia đề án thí điểm chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Trọng Tín

“Trái ngọt” khu công nghiệp sinh thái

Xuất phát điểm là nơi tập hợp các đơn vị sản xuất trong khu công nghiệp, khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhưng kể từ khi tham gia đề án thí điểm chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, ông Giang Ngọc Phương - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM) cho biết, lợi ích đầu tiên mà đề án mang lại là cải thiện chính cuộc sống của người đang lao động, sản xuất tại đây. Ngoài ra, việc chuyển đổi còn giúp cải thiện môi trường bằng cách tiết giảm sử dụng năng lượng, nước sạch, giảm phát thải ra môi trường…, từ đó giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, giảm giá thành và gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Theo ông Phương, trước đây, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là lợi ích kinh tế thông thường, nhưng bây giờ, việc hợp tác cộng sinh là một phần của tiêu chuẩn để công nhận khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh.

“Tại Khu công nghiệp Hiệp Phước có nhiều mô hình hợp tác cộng sinh. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất dầu ăn, hơi nóng của nhà máy dầu ăn calofic đã được chuyển sang cho nhà máy sản xuất bột. Hay như lĩnh vực sản xuất xi măng, có những doanh nghiệp sản xuất xi măng và doanh nghiệp sản xuất thạch cao, mà thạch cao lại là một phần trong clinker để sản xuất xi măng. Do đó, khi sản xuất thạch cao sẽ có phụ phẩm và được thu gom đưa vào các doanh nghiệp xi măng. Chất phụ phẩm tuy không phải là thành phẩm của nhà máy này, nhưng có thể là đầu vào nguyên liệu của nhà máy khác và được xem là cộng sinh”, ông Phương lấy dẫn chứng, đồng thời cho biết thêm, đến nay, Khu công nghiệp Hiệp Phước có trên 20% dự án tham gia cộng sinh công nghiệp, phần lớn là do các doanh nghiệp nhận thấy được lợi ích để cải thiện chính doanh nghiệp mình, từ đó kích thích các doanh nghiệp khác làm theo.

Được biết, Khu công nghiệp Hiệp Phước là 1 trong 5 khu công nghiệp tham gia dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng UNIDO triển khai.

Đáng chú ý, việc chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái không chỉ dừng ở các khu công nghiệp được thí điểm, mà đã lan tỏa sang các khu công nghiệp khác với nguồn vốn tự thực hiện từ khu vực tư nhân, chẳng hạn như Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), các khu công nghiệp của Tập đoàn Becamex; các khu công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng của Tập đoàn VSIP....

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec - chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho biết, nhờ chuyển đổi xanh, khu công nghiệp này không những không bị suy giảm sản xuất, mà còn tăng trưởng tốt trong cả giai đoạn trước và sau dịch Covid-19. Điều đó mang lại động lực rất lớn, cho thấy “trái ngọt” của việc đầu tư cho kinh tế tuần hoàn trong dài hạn.

“Tại đây, các loại rác thải như xỉ thép cũng có thể tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Với mô hình cộng sinh công nghiệp, phế liệu được sản xuất trở thành các sản phẩm phụ trợ, linh kiện ngành điện…”, ông Điệp nói và cho biết thêm, với quy trình khép kín và sản xuất tuần hoàn này, tất cả những thứ bỏ đi trước đây đều là nguyên liệu quan trọng và có giá trị, tăng thêm doanh thu cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền thường xuyên duy trì tỷ lệ lấp đầy cao trên 80%, cho dù giá thuê đất ở đây cao hơn so với các khu công nghiệp khác.

“Dọn tổ” đón dòng vốn mới

MBS dự báo, các khu công nghiệp truyền thống sẽ dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Thay thế cho nhóm này là các khu công nghiệp hướng tới yếu tố xanh và bền vững.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MB) đưa ra nhận định, triển vọng của lĩnh vực bất động sản công nghiệp thời gian tới tiếp tục đến từ điều kiện vĩ mô ổn định. Bên cạnh đó, việc nâng tầm quan hệ với nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và mới đây là Australia… đã và đang giúp Việt Nam gia tăng thu hút vốn FDI. Khi dòng vốn chảy mạnh vào nền kinh tế, các khu công nghiệp được xem như “thỏi nam châm” hút mạnh dòng tiền.

Tuy nhiên, MBS cũng dự báo, các khu công nghiệp truyền thống sẽ dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Thay thế cho nhóm này là các khu công nghiệp hướng tới yếu tố xanh và bền vững, các dự án công nghệ cao sử dụng nguyên liệu sạch, giảm phát thải khí carbon ra môi trường. Bởi lẽ, dòng vốn FDI trong giai đoạn này mang một hình thái mới với lựa chọn điểm đến có điều kiện để chuyển đổi xanh, phát triển bền vững…

Trên thực tế, khu công nghiệp truyền thống chỉ có các nhà máy sản xuất, nhà ở và các dịch vụ, tiện ích thuần túy đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Thay vào đó, xu hướng phát triển khu công nghiệp hướng tới yếu tố xanh, bền vững thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Phát triển khu công nghiệp xanh là tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường…, hướng đến thực hiện cam kết giảm phát thải khí carbon về 0 vào năm 2050. Ngoài ra, xây dựng khu công nghiệp xanh để thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp xanh cũng là xu thế chung trên thế giới.

Theo các chuyên gia, mô hình phát triển khu công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với động lực phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng về đất dần không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Do đó, việc xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái… đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu là rất cần thiết.

Với sự chuyển dịch này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra chiến lược phát triển mới cho các khu công nghiệp Việt Nam, trước tiên là ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây cũng là xu hướng chủ đạo trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu.

Ông Nha-Vinh Julien Nguyen, Giám đốc Quốc gia Tập đoàn WHA Việt Nam - chủ đầu tư Khu công nghiệp WHA IZ 1 (Nghệ An) nhấn mạnh, định hướng khu công nghiệp sinh thái là hướng đi phù hợp, bởi cuối cùng, việc phát triển các khu công nghiệp chất lượng đều phải hướng đến yếu tố sinh thái, thông minh.

“WHA Việt Nam khuyến khích hướng đi này vì nhận thấy nhu cầu rõ ràng từ các khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp và các nhà sản xuất - những người mong muốn đáp ứng nhu cầu của chính khách hàng của họ, và cuối cùng là người tiêu dùng cuối về một chuỗi cung ứng bền vững hơn”, ông Nha-Vinh Julien Nguyen nói và cho biết thêm, tại Khu công nghiệp WHA IZ 1, WHA Việt Nam sử dụng hệ thống sinh học cho cơ sở xử lý nước thải mà không sử dụng hóa chất và thân thiện với môi trường, có phòng điều khiển tập trung theo dõi thời gian thực và điều khiển các tham số môi trường như chất lượng không khí, nước thải, mực nước và các chỉ số an toàn khác. Nhờ tích hợp các công nghệ tiên tiến và các thực tiễn hiệu quả về tài nguyên, Khu công nghiệp WHA IZ 1 đang thu hút các nhà đầu tư thứ cấp giá trị cao.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục