Khu công nghiệp Hòa Tâm sẽ được thẩm định chủ trương đầu tư vào năm 2025

Sau ký kết ghi nhớ, 3 dự án của Tập đoàn Hòa Phát đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên vẫn chưa được phê duyệt. Nguyên nhân là do thay đổi của luật và chờ các quy hoạch liên quan được phê duyệt.
Khu vực dự kiến xây dựng Cảng Bãi Gốc tại thị xã Đông Hòa.

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII, nhiệm kỳ 2021- 2026, ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết, sau khi tỉnh tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào tháng 3/2024, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh và tìm hiểu cơ hội đầu tư, đặt vấn đề với tỉnh để đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Các nhà đầu tư nước ngoài có Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Tập đoàn SK (Hàn Quốc) và Tập đoàn Kanoria (Ấn Độ); trong nước có Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Becamex và Tập đoàn TH.

Đến nay, Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất 3 dự án vào khu kinh tế Nam Phú Yên.

Trong đó, Dự án Kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (gọi tắt Dự án KCN Hòa Tâm) với tổng vốn đầu tư 13.300 tỷ đồng. Sau khi Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Hòa Tâm đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 7/2024 với diện tích 1.115 ha, Tập đoàn Hòa Phát đã trình hồ sơ liên quan lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo ông Hùng, tại thời điểm đó, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án KCN là của Thủ tướng. Tuy nhiên, sau khi Quốc hội thông qua sửa đổi Luật Đầu tư, thì từ tháng 1/2025 thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án này là của UBND tỉnh Phú Yên.

Do vậy, Tập đoàn Hòa Phát đang hoàn chỉnh lại hồ sơ để trình lên UBND tỉnh. Đợi khi ngày luật có hiệu lực, UBND tỉnh Phú Yên sẽ tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp chủ trương đầu tư.

Đối với Dự án Cảng Bãi Gốc, Tập đoàn Hòa Phát đang nghiên cứu và đề xuất với tổng vốn đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng.

Đối với Dự án Nhà máy thép, khu liên hợp thép với tổng công suất trên 6 triệu tấn/ năm, 86.000 tỷ đồng; tại buổi làm việc với UBND tỉnh vào chiều ngày 2/12/2024,Tập đoàn Hòa Phát đề cập kế hoạch dự kiến đến năm 2029 sẽ đưa dự án thép đi vào sản xuất thương mại. Tập đoàn Hòa Phát định hướng sản phẩm là đường ray phục vụ cho Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Trong khi đó, ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cũng cho biết, sau lễ công bố quy hoạch tỉnh, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến tỉnh và “sôi động trong quý I/2024”.

“Sau đó thì chúng tôi cũng chủ động liên lạc các nhà đầu tư, cùng nhau xúc tiến thì hầu hết các nhà đầu tư lớn trả lời là chậm lại một tý so với đăng ký ban đầu”, ông Tiến bổ sung và cho hay điều này dẫn đến nhiều dự án khởi động khá chậm sau hội nghị.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, việc chậm khởi động có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trông chờ việc điều chỉnh các loại quy hoạch, các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, luật liên quan đến xây dựng như Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP)…

Tại kỳ họp, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay, tỉnh cố gắng phấn đấu để khởi công Dự án Cảng Bãi Gốc vào cuối quý II, đầu quý III/2025. Ông Tuấn đánh giá Dự án Cảng Bãi Gốc là dự án rất quan trọng, lan tỏa đối đối với việc thu hút đầu tư của tỉnh; tạo điều kiện cho tỉnh Phú Yên triển khai logistics cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Tuy nhiên, Dự án Cảng Bãi Gốc đang chờ quy hoạch chung về các nhóm cảng biển mà Bộ Giao thông – vận tải đang trình Thủ tướng.

Cùng với đó dự án của Tập đoàn Becamex về khu công nghiệp thương mại dịch vụ cũng cần phải có thời gian để chuẩn bị triển khai.

“Những dự án này nếu triển khai tích cực thì chúng ta cũng chỉ có khả năng khởi công vào khoảng nửa cuối của năm 2025, có sản phẩm nhanh cũng phải vào năm 2027, 2028 thậm chí 2029 mới có sản phẩm thương mại”, ông Tuấn đề cập.

Do vậy, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Phú Yên sẽ rơi vào thời kỳ sau, thu ngân sách Nhà nước sẽ rơi vào sau năm 2035. Điều này cũng được xác định trong quy hoạch tỉnh khi đã định hướng đến năm 2035, tỉnh Phú Yên mới tự cân đối thu chi ngân sách nhà nước.

“Nhưng nếu chúng ta không quyết tâm từ lúc này thì đấy là cái mốc rất là thách thức”, ông Tuấn nói.

Lũy kế đến nay, Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp đã thu hút 120 dự án, trong đó 104 dự án trong nước, 16 dự án nước ngoài đến từ 13 quốc gia. Tỷ lệ lấp đầy của 5 khu công nghiệp đạt 80%.

Nguyễn Toàn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục