Khu công nghiệp Đình Vũ vừa thu hút thêm dự án 259 triệu USD

Công ty cổ phần Khu công nghiệp (KCN) Đình Vũ vừa đầu tư thêm một dự án 259 triệu USD tại Hải Phòng, khẳng định thêm xu hướng ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng KCN ở Việt Nam.

KCN Đình Vũ đang được mùa thu hút vốn đầu tư nước ngoài KCN Đình Vũ đang được mùa thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp vào ngày 10/10/2014, song chính thức được trao cho Công ty cổ phần KCN Đình Vũ tại Brussels (Bỉ), nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu và Cộng hòa Liên bang Đức trong 3 ngày 13-15/10/2014.

Theo đó, Công ty cổ phần KCN Đình Vũ sẽ đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. KCN này sẽ được đặt tại KCN số 1, Khu vực Cát Hải, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), quy mô 520 ha và vốn đầu tư khoảng 259 triệu USD.

Với dự án này, Công ty cổ phần KCN Đình Vũ dự kiến dành 497 ha cho KCN, 23 ha còn lại xây dựng cảng container đường thủy nội địa.

Theo kế hoạch, Dự án bắt đầu cho các nhà đầu tư thuê đất từ năm 2018, sau khi hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của KCN.

Như vậy, sau khi thành công với KCN Đình Vũ, Công ty cổ phần KCN Đình Vũ, liên doanh giữa UBND TP. Hải Phòng (nắm giữ 25% vốn) và tổ hợp nhà đầu tư nước ngoài (nắm giữ 75% vốn), bao gồm Rent - A- Port, Infra Asia và Công ty Quản lý và Phát triển cảng (IPEM), đều của Bỉ, đã quyết định đầu tư thêm một KCN nữa ở Hải Phòng. Đây cũng là xu hướng mà một số nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hạ tầng KCN đang thực hiện.

Ngay bản thân Rent - A - Port cũng đang theo đuổi Dự án KCN và cảng Tiền Phong (phía Nam), Đầm Nhà Mạc (Quảng Ninh). Dự án có quy mô diện tích nghiên cứu 507,3 ha, với mục tiêu xây dựng một quần thể công nghiệp - cảng hiện đại, đa ngành. Dự án dự kiến có vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 đã được Rent - A - Port đệ trình lên UBND tỉnh Quảng Ninh.

Cũng tại Quảng Ninh, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đang nghiên cứu đầu tư Dự án KCN công nghệ cao quy mô 2 tỷ USD. Trong khi đó, ngày 30/10 tới, Tập đoàn Texhong (Hongkong) dự kiến khởi công Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Texhong Hải Hà, quy mô 660 ha, vốn đầu tư 215 triệu USD. Cùng với việc khởi công xây dựng hạ tầng KCN, Texhong cũng khởi công luôn Dự án sản xuất sơ xợi, vốn đầu tư 300 triệu USD, tại chính KCN này.

Như vậy cũng là thêm một bước khởi đầu suôn sẻ cho KCN Texhong Hải Hà, mà theo dự kiến ban đầu,

Texhong muốn triển khai trên diện tích 3.000 ha. Tuy nhiên sau đó, quy mô giai đoạn I đã được thu hẹp đáng kể. Nhiều khả năng, các cơ quan chức năng muốn chờ xem Texhong đầu tư như thế nào, có hiệu quả không rồi mới có những quyết định tiếp theo.

Một nhà đầu tư hạ tầng KCN khác, nổi tiếng ở Việt Nam là Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), cũng đang lên kế hoạch đầu tư Dự án Khu phức hợp Công nghiệp - Thương mại, Dịch vụ và Đô thị tại khu vực huyện Tuy Phước và khu vực dọc tuyến đường Long Vân - Long Mỹ (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Diện tích dự kiến triển khai tại cả hai khu vực này là 1.400 ha.

Sau khi VSIP đề xuất Dự án, UBND tỉnh Bình Định cũng đã đồng ý về chủ trương để Công ty nghiên cứu, lập dự án khả thi, sớm triển khai.

Nhiều khả năng, VSIP sẽ cùng với đối tác trong liên doanh là Becamex Bình Dương triển khai Dự án KCN - đô thị ở Nghệ An, mà hồi đầu năm, Becamex đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Nghệ An về đầu tư triển khai dự án này.

VSIP, theo thông tin của Báo Đầu tư, đang lên kế hoạch mua lại KCN Cẩm Điền - Lương Điền (Hải Dương) của Công ty Phúc Hưng. KCN Cẩm Điền - Lương Điền nằm trên tuyến đường 5 thuộc địa phận hai xã Lương Điền - Cẩm Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), tiếp giáp với nhiều KCN lớn của tỉnh Hải Dương, như Đại An, Kenmark…, với tổng diện tích 208 ha. Dự án có quyết định thành lập vào tháng 6/2008, do Công ty Phúc Hưng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, Dự án vẫn chưa được triển khai, đất bỏ hoang, khiến người dân bức xúc. Nếu thương vụ hoàn thành, với kinh nghiệm và năng lực thu hút đầu tư của VSIP, nhiều khả năng, KCN Cẩm Điền - Lương Điền sẽ được hồi sinh.

Không chỉ là các nhà đầu tư này, mà thông tin gần đây cho thấy, các nhà đầu tư Nhật Bản, như Sojitz, Sumitomo, vốn thành danh với các KCN Thăng Long, Long Đức… ở Việt Nam, cũng đang lên kế hoạch đầu tư các KCN mới ở Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam có 289 KCN đã được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên 81.000 ha. Tuy việc mở các KCN mới đang được thắt chặt, song việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài có uy tín muốn đầu tư vào hạ tầng KCN tiếp tục cho thấy Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn và KCN là một mô hình ưu việt trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Nguyên Đức
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục