Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã hội tụ 3/4 điều kiện thành công!

Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã hội tụ 3/4 điều kiện để thành công. Chỉ còn duy nhất “chốt chặn cuối cùng” là tiến độ xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân.
Noble (Nhật Bản) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc  Noble (Nhật Bản) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Dấu ấn đổi thay

Những ai biết về “quá khứ ì ạch” của Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ phải bất ngờ khi bước chân vào Làng phần mềm FPT Software của Tập đoàn FPT nằm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Giai đoạn I của Dự án đã hoàn thành vào cuối năm 2013 với mô hình campus (khu nhà văn phòng tích hợp khu vui chơi, giải trí, cây xanh, cảnh quan, nhà ở...).

Sự tiện nghi, thoáng đãng và thân thiện là điều mà khách tham quan có thể cảm nhận tại khu làm việc của FPT. Hàng trăm nhân viên đã được FPT đưa lên làm việc tại đây. Cách FPT Software không xa là Đại học FPT với nhiều khối nhà đã và đang xây dựng, hàng ngàn sinh viên đang sống và học tập tại Hòa Lạc.

Một dự án lớn khác cũng vừa mới hoàn thành là Trung tâm Công nghệ cao của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Các hợp phần của Trung tâm cùng các nhà máy công nghệ khác đi vào hoạt động, đang từng bước mang lại sự thay đổi cho diện mạo Khu công nghệ cao Hòa Lạc vốn hoang vu trong nhiều năm trước đây.

Tính đến tháng 7/2014, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có 72 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 56.469 tỷ đồng. Ngoài những dự án đã nhắc ở trên, còn nhiều dự án quan trọng khác, như Dự án Nhà máy in tiền quốc gia, Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc; Trường Đại học Việt - Nhật; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đang được xây dựng.

Nhưng sẽ là không đầy đủ khi nói đến những thành tựu của Khu công nghệ cao Hòa Lạc thời gian gần đây mà không nói đến những khó khăn trước đó. Ngoài việc giải phóng mặt bằng yếu, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng chậm, hạ tầng không đồng bộ..., khủng hoảng kinh tế thời gian qua cũng mang đi khỏi Hòa Lạc nhiều dự án. Cho đến thời điểm này, Ban Quản lý Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 8 dự án, trong đó có 3 dự án đầu tư nước ngoài và 5 dự án đầu tư trong nước. Nhiều dự án bị chậm tiến độ khác cũng đang được tiến hành các thủ tục cần thiết để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Chốt chặn cuối cùng

Ông Phạm Đại Dương, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, tại buổi làm việc với các bộ, ngành, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc mới đây, Ban Quản lý đã báo cáo tất cả khó khăn mà Khu công nghệ cao mắc phải trong suốt 15 năm qua. Đó là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, do xác định giấy tờ, nguồn gốc của các hộ dân, sự chậm trễ của Hà Nội do việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, chiến lược giải phóng mặt bằng không phù hợp... Đến thời điểm này, Hòa Lạc mới giải phóng được 990,68 ha trên tổng số 1.586 ha theo quy hoạch. Trong đó, 748 ha là đất sạch, 242 ha là đất chưa sạch vì có hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa di dời.

Tại buổi làm việc, nhiều vướng mắc đã được Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, trong đó, quan trọng nhất là việc cho phép lấy thời điểm có quyết định thu hồi đất (năm 2002 - 2003) làm mốc thời gian xác định đền bù đất, thay vì thời điểm quy hoạch dự án (năm 1998). Theo đó, những giao dịch đất đai của người dân trong khuôn khổ dự án trước thời điểm nhà nước có quyết định thu hồi đất được công nhận là những giao dịch hợp pháp và được đền bù theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Dương cho biết, có 4 điều kiện để xây dựng thành công Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đó là quy hoạch tốt; có đủ vốn để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng; có cơ chế ưu đãi, môi trường đầu tư tốt và sự ủng hộ của các nhà đầu tư. Đến thời điểm này, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã hội tụ 3/4 điều kiện để thành công. Còn điều kiện duy nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng. Mà muốn xây dựng cơ sở hạ tầng, thì phải có mặt bằng với “chốt chặn cuối cùng là” tiến độ xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân.

“Nhiều hộ dân tái định cư đã nhận tiền đền bù, nhưng không có đất tái định cư, nên chưa thể di dời. Tổng nhu cầu tái định cư của Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khoảng 1.288 suất và 1.462 hộ dân phải trả đất dịch vụ. Đến nay, Hà Nội mới hoàn thành một khu tái định cư 7,8 ha, đáp ứng 165 suất tái định cư và mới hoàn thành 50% hạ tầng khu tái định cư Nam đường Tỉnh Lộ 420 (36 ha), dự kiến phân lô theo quy hoạch khoảng 900 lô, đến nay mới hoàn thành 300 lô... Tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc hoàn toàn phụ thuộc việc xây dựng các khu tái định cư này”, ông Dương cho biết.

Cũng theo ông Dương, áp lực triển khai dự án là vô cùng lớn. Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất UBND TP. Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu tái định cư để Khu công nghệ cao Hòa Lạc có thể triển khai gói thầu xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 300 triệu USD từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Theo kế hoạch, gói thầu này phải khởi công từ cuối năm 2013 và thực tế, khoản tiền Chính phủ Nhật Bản dành cho Chính phủ Việt Nam cũng đã sẵn sàng từ hơn 1 năm nay, nhưng vẫn chưa thể giải ngân, vì không có mặt bằng.

Quang Hưng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục