Không vay tiền vẫn bị Công ty Vạn An Phát đòi nợ kiểu “giang hồ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình trạng nhiều người dân bị các công ty tín dụng đen núp bóng công ty tài chính đòi nợ kiểu “khủng bố”, bêu xấu trên mạng xã hội dù bản thân không vay nợ đang trở thành vấn nạn.
Không vay tiền vẫn bị Công ty Vạn An Phát đòi nợ kiểu “giang hồ”

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chị N.M cho biết, bản thân bị tín dụng đen làm phiền hơn 1 tháng qua.

"Một ngày, một số điện thoại gọi điện cho tôi, gọi rõ ràng tên tuổi và địa chỉ làm việc của tôi. Người này tự xưng là Công ty Vạn An Phát và đe dọa tôi về một khoản nợ không phải của tôi. Tôi không rõ ở đâu mà đối tượng này có được thông tin cá nhân của mình, từ số điện thoại đến địa chỉ làm việc, dù công ty này tôi vừa mới chuyển tới. Đối tượng này đe doạ tôi phải nói chuyện với người vay tiền - là một người tôi quen - nhanh chóng trả nợ".

Các tin nhắn đòi nợ liên tục được gửi đến

Các tin nhắn đòi nợ liên tục được gửi đến

Sau đó, mỗi ngày đều có hàng loạt số điện thoại lạ gọi đến và nhắn tin đe dọa. Tin nhắn gửi trực tiếp đến chị N.M ghi rõ ràng tên tuổi, số CMND, công ty đang làm việc với lời nhấn mạnh, bên thu nợ không chịu trách nhiệm nếu ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, uy tín, danh dự.

Tình trạng các số lạ thay đổi liên tục, mỗi ngày hàng loạt cuộc gọi số lạ gọi tới bất kể ngày đêm khiến cuộc sống, công việc và tinh thần của chị N.M bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tìm kiếm thông tin về Công ty tài chính Vạn An Phát, nội dung được giới thiệu tại các trang web khá “hấp dẫn”: Vay tiền Vạn An Phát giải ngân siêu tốc 24/7, không cần gặp mặt, chỉ cần trên 17 tuổi và có CMT/CCCD, nợ xấu vẫn vay được tiền.

Thực tế, danh sách các công ty tài chính tính tới ngày 30/6/2022 trên website Ngân hàng Nhà nước (SBV), không có tên Công ty TNHH MTV TMDV Vạn An Phát.

Tình trạng đòi nợ kiểu khủng bố vẫn phổ biến

Trên các diễn đàn mạng xã hội và phương tiện truyền thông, không ít các trường hợp như chị N.M. Mới đây, theo Tuổi trẻ, hàng chục nhân viên, nhân sự của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng đã phải kêu cứu vì liên tục bị “khủng bố”, bêu xấu trên mạng xã hội dù bản thân không vay nợ.

Theo đại diện công ty này, qua thống kê thì chỉ riêng phòng quản lý nhân sự của công ty đã có tới hàng chục người bị "khủng bố" với hình thức tương tự. Nhiều người bị ghép ảnh kèm số điện thoại rồi tung lên các trang mạng của gái mại dâm, khiến nhiều người khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng.

Được biết, từ cuối năm 2021, công ty đã có văn bản gửi Công an Hải Phòng đề nghị hỗ trợ điều tra các nội dung vu khống trên mạng xã hội, hành vi gọi điện, nhắn tin nhờ đòi nợ hộ.

Dù vậy, cho tới nay, tình trạng bị đòi nợ kiểu “giang hồ” vẫn diễn ra kéo dài và không được xử lý triệt để.

Tư Thuần

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục