Không truy cứu nhiều hành vi vi phạm về chứng khoán

(ĐTCK) Điểm mới nhất trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự vừa được Ban soạn thảo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là bỏ khá nhiều dấu hiệu của phạm tội về chứng khoán và TTCK ra khỏi cấu thành cơ bản của các điều luật để xử lý trách nhiệm hình sự. Nếu dự án này được Quốc hội thông qua thì khá nhiều vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Gần 9 năm đưa TTCK vào vận hành chưa phát sinh tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội ở mức độ cao.

Cụ thể, theo dự án Bộ luật Hình sự được Ban soạn thảo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đầu năm 2009, người nào đã bị xử lý hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Người nào đã bị xử lý hành chính về một trong các hành vi liên quan đến tội sử dụng thông tin nội bộ để mua - bán chứng khoán mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người nào đã bị xử lý hành chính về hành vi thao túng giá chứng khoán, như thông đồng để thực hiện việc mua - bán chứng khoán nhằm tạo ra cung - cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua - bán; sử dụng các phương pháp giao dịch khác mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự thì có 10 đoàn ĐBQH tán thành việc bổ sung các tội vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK vào Bộ luật Hình sự. Mặc dù vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK chỉ mới phát sinh, trên thực tế, qua gần 9 năm đưa TTCK vào vận hành chưa phát sinh tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội ở mức độ cao, tuy nhiên các ĐBQH cho rằng, vẫn cần thiết phải xử lý hình sự các tội danh liên quan đến chứng khoán và TTCK nhằm nâng cao tính răn đe, ngăn chặn các hành vi phạm tội có thể phát sinh cùng với sự phát triển của TTCK.

Cũng theo báo cáo trên, có 2 đoàn ĐBQH đề nghị quy định rõ số tiền thiệt hại hoặc gây hậu quả thiệt hại phi vật chất khác cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân đến mức như thế nào mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không nên quy định chung chung là "gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn" mới bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, đoàn ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉnh lý Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến lĩnh vực chứng khoán theo hướng, coi tội vi phạm các quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK là loại tội phạm mới, nên trước mắt chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với những hành vi phạm tội đã phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng. "Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo ghép Điều 181a "Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán" và Điều 181c "Tội gian lận, lừa đảo trong giao dịch chứng khoán" của Dự án Luật (cũ) thành Điều 181a "Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán". Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ đạo chỉnh lý cấu thành tội phạm của Điều 181b "Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán" và Điều 181c (Điều 181d cũ) "Tội thao túng giá chứng khoán" cho rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ hơn", bà Thu Ba cho biết.

Việc ghép Điều 181c vào Điều 181a, theo ý kiến của nhiều ĐBQH, phạm vi điều chỉnh của  Điều 181a là quá rộng, bao trùm toàn bộ hoạt động về chứng khoán và TTCK nên cần quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi chào bán, kinh doanh chứng khoán, tổ chức TTCK không có giấy phép và cần thiết phải xử lý hình sự khi các hành vi phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Về nội dung này, theo bà Thu Ba, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi chào bán, kinh doanh chứng khoán, tổ chức TTCK không có giấy phép trước mắt chưa xử lý trách nhiệm hình sự, do các hành vi này xuất phát từ quan hệ kinh tế, dân sự nên chỉ xử lý về mặt dân sự hoặc hành chính. Tuy nhiên, khi có đủ căn cứ đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả của nó, Quốc hội sẽ nghiên cứu bổ sung vào Bộ luật Hình sự sửa đổi lần sau.

Nam Kinh
Nam Kinh

Tin cùng chuyên mục