Không TPP, dệt may vẫn thu hút hơn 750 triệu USD vốn FDI

Không tăng đột biến, thậm chí hơn 1 năm trở lại đây, số dự án mới được cấp phép thưa dần, nhưng dệt may vẫn “rinh” về hơn 750 triệu USD vốn đầu tư, chủ yếu do các dự án điều chỉnh tăng vốn.
Không TPP, dệt may vẫn thu hút hơn 750 triệu USD vốn FDI

Dự án điều chỉnh tăng vốn khủng

Sau 2 năm (2014 - 2015), được cho là cao điểm của dòng vốn FDI vào lĩnh vực dệt may, từ đầu 2016 đến nay, số lượng các dự án FDI mới vào ngành này đã giảm nhiều. Ngoài Dự án Nhà máy sản xuất Polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD, do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh được cấp mới, thì dòng vốn bổ sung chủ yếu do các doanh nghiệp tăng vốn.

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, từ đầu năm đến nay, có 2 dự án điều chỉnh tăng vốn lớn nhất trong ngành dệt may có địa bàn hoạt động tại Đồng Nai và Bình Dương.

Đó là dự án của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) đã tăng thêm 485,8 triệu USD, mức cao nhất trong số các dự án điều chỉnh vốn.

Dự án có mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester, gồm xơ dài filament, sản phẩm sợi cotton, sợi tổng hợp và dệt kim. Dự án mới được cấp phép giữa năm 2015 và việc tăng vốn đã đưa tổng vốn đầu tư đăng ký của dự án lên 760 triệu USD.

Việc điều chỉnh tăng thêm gần 500 triệu USD vốn đầu tư đã đưa dự án này đứng trong tốp các dự án lớn được cấp phép trong 6 tháng đầu năm 2017, bên cạnh các dự án của Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh.

Một “đại gia” Đài Loan là Tập đoàn Tainan Spinning cũng đã kịp điều chỉnh tăng vốn cho Dự án Công ty TNHH sợi Long Thái Tử tại hu công  nghiệp Long Khánh, với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 50 triệu USD.

Với diễn biến bất lợi của TPP, các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực dệt may vẫn quyết định tăng vốn đã cho thấy bức tranh sáng sủa, chứng tỏ môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn rất hấp dẫn

Trước thời điểm tăng vốn thêm 50 triệu USD, Công ty TNHH sợi Long Thái Tử đã khởi công xây dựng dự án Nhà xưởng sợi Long Thái Tử giai đoạn II tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai. Dự án được xây dựng với diện tích 37.000 m2 sàn trên khu đất 18 ha, quy mô Dự án gồm 1 nhà xưởng sản xuất chính, 4 kho thành phẩm, nhà xe công nhân và các hạng mục phụ trợ khác, được đưa vào hoạt động cuối năm 2016.

Tập đoàn Tainan Spinning được biết đến là một công ty chuyên về sợi lớn, có trụ sở chính tại Đài Loan. Với tham vọng phát triển thị trường một cách nhanh nhất, Tainan Spinning đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sợi để tận dụng cơ hội từ các thị trường xuất khẩu Việt Nam đang có.

Như vậy, tạm tính từ 3 dự án cấp mới và tăng vốn trong ngành dệt may từ đầu năm đến nay, tổng vốn đã lên tới 755 triệu USD.

Môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn hấp dẫn

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas cho rằng, trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP, thì việc một số dự án dệt may vẫn đổ vốn lớn vào Việt Nam là một tín hiệu tích cực.

“Với diễn biến bất lợi của TPP, các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực dệt may vẫn quyết định tăng vốn đã cho thấy bức tranh sáng sủa, chứng tỏ môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn rất hấp dẫn”, ông Trường nói.

Là một trong những nhà xuất khẩu dệt may quan trọng của khu vực châu Á, trong vòng một thập kỷ qua, tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã tăng gấp 3,6 lần, từ 7,78 tỷ USD năm 2007, lên đến 28,02 tỷ USD năm 2016, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Việt Nam.

Kế hoạch năm 2017, toàn ngành dệt may kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng 7%, với 30 tỷ USD.

Những năm qua, nhờ vào chi phí lao động cạnh tranh và các chính sách ưu đãi, Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong ngành dệt may. Vốn FDI đổ vào dệt may cao điểm trong hơn một thập kỷ qua đã góp phần đưa Việt Nam đứng trong top 5 các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Theo nhận định của Vitas, nếu không có TPP thì ngành dệt may Việt Nam vẫn còn các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác như: FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Nhật Bản, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu…, có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng tốt.

EU là thị trường mà ngành dệt may Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần, nếu tận dụng tốt thì sẽ có cơ hội để tăng trưởng đột biến trong giai đoạn 2018 - 2020. Đây là dư địa thu hút các doanh nghiệp FDI tiếp tục đổ vốn vào các dự án mới tại Việt Nam.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục