Không thể nhìn nhận một chiều!

Hai chỉ số giá cổ phiếu VN-Index và HASTC-Index đang bám sát những diễn biến của TTCK thế giới, với xu hướng đi xuống là chủ đạo. Nhiều ý kiến cho rằng, đó là sự phản ứng thái quá vì kinh tế Việt Nam chưa liên thông nhiều đến như vậy. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu chỉ nhìn nhận vấn đề theo một hướng như thế. Có rất nhiều nhà đầu tư trông theo Down Jones, Nikkei… để suy nghĩ hành động, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít lo ngại xuất phát từ chính nội tại nền kinh tế của chúng ta.
Sức mua giảm, kéo theo hoạt động cầm chừng của nhiều doanh nghiệp. Sức mua giảm, kéo theo hoạt động cầm chừng của nhiều doanh nghiệp.

Những tháng cuối năm, sức mua nhiều mặt hàng, từ thiết yếu đến đồ gia dụng, điện tử hay tiêu dùng xa xỉ giảm mạnh, mặc dù sức mua thường tăng vào khoảng thời gian này hàng năm. Điều này đã làm chỉ số giá tiêu dùng những tháng gần đây chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm ở một số tỉnh, thành lớn như TP. HCM. Liệu đó là thành công trong nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ hay còn là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng đang manh nha?

Sức mua giảm, kéo theo hoạt động cầm chừng của nhiều doanh nghiệp, tất cả các ngành kinh tế đều phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ. Nếu tình hình này kéo dài, cụm từ "phá sản" sẽ sớm xuất hiện, đặc biệt là đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Con số nhập siêu của tháng 10 dù vẫn đứng ở mức thấp, nhưng vẫn cao gấp gần 2 lần mức trung bình của 2 tháng trước đó, trong khi xuất khẩu đang sụt giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới khiến các thị trường tiêu thụ lớn giảm sức mua. Cán cân thương mại của chúng ta đang bị đe dọa khi một số chuyên gia cho rằng, nhập siêu trong những tháng tới sẽ căng thẳng hơn.

Đối với ngành tài chính ngân hàng, khu vực nhạy cảm này đang đối mặt với những mâu thuẫn khách quan của kinh tế vĩ mô, của chính sách và của bản thân các ngân hàng. Lãi suất cho vay tiếp tục giảm là một tin vui đối với các doanh nghiệp, nhưng lại đặt ngân hàng trước những bài toán khó khi chênh lệch giữa lãi suất cho vay và đi vay của nhiều ngân hàng không đủ để có lãi, vốn ngân hàng ứ đọng trong khi tỷ lệ các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để cho vay chiếm tỷ lệ thấp trong số các doanh nghiệp có nhu cầu vay…

Trên đây chỉ là một số lý do dễ nhận thấy khiến NĐT chưa thể yên tâm khi tham gia vào thị trường trong thời điểm hiện tại, nếu có thì chủ yếu là đón những con sóng ngắn hạn.

Thực tế thì mức độ tác động của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế Việt Nam chưa đến mức như nhiều nước trong thời điểm hiện tại, nhưng nếu chúng ta chủ quan, không đối mặt với thực tế, không nhanh chóng tìm cách khắc phục, cải thiện các chỉ số kinh tế thì diễn biến trên TTCK khó có thể khác chiều với TTCK của các nền kinh tế đang bị khủng hoảng.

Hoàng Oanh
Hoàng Oanh